Đi tìm sự thật nước 'giếng tiên' xóa đời cô đơn, hiếm muộn ở miền Trung

Chủ nhật - 08/10/2017 21:42
Nói về sự kỳ diệu của nước giếng, nhiều người nói rằng những người muốn thoát kiếp FA (forever alone – cô đơn, độc thân) nên tìm đến đây để xin chút nước, vì người dân nơi đây tin rằng khi uống nước nơi giếng này sẽ nhanh chóng tìm được tình yêu đích thực.
Đi tìm sự thật nước 'giếng tiên' xóa đời cô đơn, hiếm muộn ở miền Trung
Con trai uống 7 ngụm nước, con gái uống 9 ngụm nước sẽ có người yêu. Tuy nhiên, đây chỉ là những câu chuyện truyền tai.

Kỳ lạ “giếng tiên”

Nói đến giếng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cảnh đồng quê xanh mát lũy tre, giếng làng sâu hút, mát rượi, có mấy ai hình dung một chiếc giếng giữa trùng dương sóng vỗ. Ấy vậy mà cách đây hơn 200 năm tại Cù Lao Chàm – Quảng Nam một chiếc giếng đã hình thành và những dòng nước ngọt tinh quý vẫn tuôn trào cho đến tận ngày nay giữa bốn bề biển cả.

Nằm cách đất liền khoảng hơn 17km đường biển, đảo Cù Lao Chàm có rất nhiều di tích lịch sử tiêu biểu, mang đặc trưng văn hóa Chămpa, nhưng ấn tượng đối với người dân và du khách khi đến nơi đây vẫn là giếng cổ Chăm (còn gọi là giếng xóm Cấm), đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2006.

Giếng Xóm Cấm nằm tại ngã ba con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm, cách 500m về phía Đông Bắc là di tích Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông, cách di tích khảo cổ Bãi Làng 300m về hướng Tây Nam. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An.

Giếng Xóm Cấm có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Diện tích khuôn viên giếng khoảng 15m2, đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn.” Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Kết cấu này qua nhiều lần người dân trong vùng trùng tu, sửa chữa đã phần nào thay đổi.

Di tim su that nuoc 'gieng tien' xoa doi co don, hiem muon o mien Trung - Anh 1

Du khách thích thú tận hưởng làn nước ngọt giữa biển khơi.

Bao đời nay người dân trên đảo đã sử dụng giếng này để làm nguồn nước uống chưa một ngày vơi cạn dù là mùa khô hanh.

Còn theo Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP Hội An thì đối chiếu với những nguồn tư liệu cổ, cùng với cấu trúc của giếng, có thể giếng cổ xóm Cấm có tuổi đời trên 200 năm.

Trên đảo Cù Lao Chàm còn có 2 giếng cổ khác, nhưng chỉ có giếng xóm Cấm vẫn còn sử dụng. Cũng theo Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP Hội An làm thế nào mà cách đây vài thế kỷ vào thời kỳ Chămpa người Chăm xác định được nơi đào giếng để có nguồn nước ngọt giữa biển khơi vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải. Chỉ biết rằng người Chăm xưa – vốn hết sức nổi tiếng trong việc phát hiện mạch nước ngầm – cũng là những người hết sức kỹ lưỡng trong việc đào giếng. Bằng kinh nghiệm của mình, họ đã tìm ra mạch nước ngọt giữa biển, đào đúng độ sâu và khơi thông nó.

Điều đáng nói là mạch nước này luôn đầy quanh năm với nguồn nước ngọt dồi dào. Họ làm thế nào để xếp chồng những viên gạch lên nhau mà không có vữa kết dính, tạo ra các kẽ hở để nước từ trong lòng đất chảy vào giếng, tạo cho mực nước luôn duy trì ở mức cao cũng là điều kỳ diệu cần phải nghiên cứu.

Nước giếng xóa kiếp FA, hiếm muộn?

Người dân ở đây vẫn kể với nhau câu chuyện rằng, xưa kia khi Hội An là một thương cảng sầm uất, tàu bè thương mại từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về, có những con tàu lênh đênh trên biển 3-4 tháng ròng, cả người cả tàu đều xác xơ vì sóng. Do đó, trước khi vào cảng Hội An, những con tàu này thường ghé qua Cù Lao Chàm (tên cổ là Chiêm Bất Lao) trước dừng lại đây ít ngày để thủy thủ nghỉ lấy lại sức và sửa chữa tàu.

Cách lấy lại sức của các thủy thủ có liên quan mật thiết đến giếng nước. Đó là theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì nước giếng cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nước giếng nấu với lá rừng của Cù Lao Chàm uống vào là hết say sóng ngay. Như vậy, câu chuyện uống nước giếng hết nôn nao của nhiều du khách là phần nào có lý, chứ không phải chỉ là cảm giác tâm lý.

Theo Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP Hội An, từ những nguồn tư liệu thư tịch cổ mà Trung tâm sưu tầm được thì từ thế kỷ thứ XV – XVIII, Cù Lao Chàm đóng vai trò quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế ven Biển Đông và là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước phương Tây lẫn phương Đông trên hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển...

Và không ít thương thuyền chọn Cù Lao Chàm là điểm để tích trữ lương thực, mua bán nước ngọt... dành cho hành trình dài của mình. Chiếc giếng cổ xóm Cấm, vì vậy chính là nguồn cung cấp nước ngọt không chỉ cho người trong vùng mà cả hằng hà sa số những thương thuyền, mang lại nguồn sự sầm uất và cuộc sống ấm no cho người dân ở hòn đảo này.

Nói về sự kỳ diệu của nước giếng, nhiều người còn truyền tai nhau rằng những người muốn thoát kiếp FA (forever alone – cô đơn, độc thân) nên tìm đến đây để xin chút nước, vì người dân nơi đây tin rằng khi uống nước nơi giếng này sẽ nhanh chóng tìm được tình yêu đích thực. Con trai uống 7 ngụm nước, con gái uống 9 ngụm nước sẽ có người yêu.

Cùng với đó, nước giếng cổ còn được người dân truyền tai nhau uống nước giếng có thể sinh con theo ý muốn. Một hướng dẫn viên du lịch cho biết nhiều du khách đến đây phản hồi lại họ đã uống và sinh con như ý muốn của mình. Chuyện nghe như đùa nhưng cũng có thể việc uống nước rồi sinh con theo ý muốn chỉ là một sự trùng hợp, nhưng ngẫu nhiên sao sự trùng hợp ấy lại tạo ra một câu chuyện thú vị cho những du khách ghé qua đảo Cù Lao Chàm.

Kể ra những câu chuyện khó tin xung quanh chiếc giếng cổ để thấy cuộc sống là vậy luôn có những điều kỳ diệu khó lý giải.

Theo các nhà văn hóa, nghiên cứu, giếng xóm Cấm không những tiếp tục cung cấp nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và cho tàu thuyền đi biển mà còn là nguồn tư liệu quý để hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông trước đây.

Kỳ Trung - Minh Minh

Nguồn tin: Báo ĐS&PL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây