Bí quyết của ông chủ vườn sâm Ngọc Linh 70 tỷ ở Quảng Nam

Thứ bảy - 16/07/2016 20:17
Tìm được gốc sâm Ngọc Linh tổ, được trả giá hơn nửa tỷ đồng nhưng ông Lĩnh không bán mà để nhân giống, giờ ông có vườn sâm với hàng nghìn gốc sâm trị giá tới 65-70 tỷ đồng.
Bí quyết của ông chủ vườn sâm Ngọc Linh 70 tỷ ở Quảng Nam

Vườn sâm khổng lồ trên là của gia đình ông Hồ Kim Lĩnh, ở thôn 3 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Khu vườn sâm của ông Lĩnh rộng hơn 1,5 ha, ngoài cây sâm cổ, còn hàng chục nghìn gốc sâm Ngọc Linh có tuổi đời từ 1 đến 20 năm tuổi. Trị giá vườn sâm của ông Lĩnh, theo ông Bửu, vào khoản 65-70 tỷ đồng (khoản 3 triệu USD). Nhưng ông Lĩnh chỉ có trồng thêm chứ không chịu bán - báo Vietnamnet đưa tin.

Bi quyet cua ong chu vuon sam Ngoc Linh 70 ty o Quang Nam - Anh 1

Một góc vườn sâm Ngọc Linh 70 tỷ đồng của ông Hồ Văn Lĩnh. Ảnh: Vietnamnet

Kể về vườn sâm Ngọc Linh có giá trị hàng chục tỷ đồng của mình, ông Hồ Văn Linh chia sẻ trên báo Vietnamnet, cách đây hơn 20 năm trong một lần lên khu vực rừng thôn 3 xã Trà Linh đã may mắn phát hiện cây sâm Ngọc Linh quí hiếm có 5 nhánh.

Khi phát hiện cây sâm tự nhiên này, ông không như người khác nhổ bán lấy tiền, ông đánh dấu bảo vệ để lấy hạt giống mỗi năm. Một thời gian sau, thấy mọi người đổ về vùng núi Ngọc Linh để săn tìm sâm tự nhiên, sợ bị mất nên ông Lĩnh đã làm lễ cúng thần rừng và xin đưa cây sâm cổ về trồng trong vườn sâm của mình.

Đến nay, cây sâm Ngọc Linh 5 nhánh ngày nào đã đẻ thêm 2 nhánh nữa, tổng cộng là 7 nhánh. Khi nghe tin về cây sâm Ngọc Linh 7 nhánh cực kỳ quý hiếm này, có người đã tìm đến hỏi mua với giá hơn 30.000 USD (khoảng hơn nửa tỷ đồng), nhưng ông vẫn lắc đầu từ chối.

Ông chủ vườn sâm hàng chục tỷ đồng ở vùng rừng núi Ngọc Linh bảo, tiền trăm triệu ai không ham, nhưng từng đêm ông nằm gác tay lên trán suy nghĩ, nếu đem cây sâm tổ bán đi được mấy tiền cũng tiêu hết nên quyết định giữ lại cho cháu con sau này làm giống. "Nhờ đó mà tôi có cả vườn sâm rộng lớn, giúp gia đình có của ăn của để” - ông Lĩnh tự hào nói.

Hiện cây sâm 7 nhanh được ông Lĩnh trồng và bảo vệ nghiêm ngặt trong vườn sâm rộng hơn 1,5 ha của mình, cây sâm vẫn phát triển và cho hạt mỗi năm.

“Mỗi năm tôi thu hái hơn 1.000 hạt giống từ cây sâm này. Đến nay, tôi đã có hơn 18.000 cây sâm con trồng trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha. Vì vậy nên tôi mới đặt cho cây sâm 7 nhánh của mình là cây sâm Tổ”, ông Hồ Văn Lĩnh kể trên báo Vietnamnet.

Bi quyet cua ong chu vuon sam Ngoc Linh 70 ty o Quang Nam - Anh 2

Ông Hồ Văn Lĩnh bên gốc sâm Ngọc Linh tổ 7 nhánh. Ảnh: Vietnamnet

Ông Lĩnh cũng nói rằng, ông tin chắc đến thời điểm này, tại vùng rừng núi Ngọc Linh không có bất kỳ cây sâm nào có đến 7 nhánh, mỗi năm cho hơn 1.000 hạt giống như vậy. Nếu đào gốc sâm này đem cân phải nặng hơn 1,3 kg và có tuổi đời hàng trăm năm.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tác giả Hoàng Thọ dẫn lời già làng Hồ Văn Điền (trưởng nóc Tắk Ngo, xã Trà Linh) kể rằng, cây sâm Ngọc Linh này có từ hàng ngàn năm trước và được dân làng xem như một loại thần dược để chữa bệnh.

Theo tiếng Xê Đăng thì củ sâm Ngọc Linh bây giờ có tên gọi là củ Kang. Cách đây chừng hai mươi năm về trước, củ Kang mọc đầy rẫy trong rừng già. Mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật thì chỉ cần vào rừng nhổ về giã nhuyễn để trị bệnh.

Già làng Hồ Văn Điền cũng bảo, chẳng ai biết người đầu tiên phát hiện củ Kang là ai hay vào thời điểm nào. Chỉ biết rằng trong quá khứ xa xưa, cha ông đã biết dùng loại củ này để cầm máu viết thương sau mỗi chuyến đi săn thú rừng. Hoặc những lúc trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, người già kiệt sức, đột quỵ, sốt rét… thì chủ yếu dựa vào củ Kang để giữ sinh mệnh.

Biết được sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, những năm 1990, làn sóng người đổ vào rừng núi Ngọc Linh tìm sâm khiến nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên dần cạn kiệt. Trước nguy cơ cạn kiệt cây sâm Ngọc Linh tự nhiên, năm 1995 các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cùng Bộ Y tế đặt vấn đề, trồng sâm để duy trì nguồn gien và phát triển thương mại.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, một trong những người nỗ lực bảo tồn sâm Ngọc Linh tự nhiên từng trải lòng: “Với những ai tâm huyết làm kinh tế có tầm nhìn dài hạn và có lòng tự tôn dân tộc thì chính cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực sẽ giúp cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc vùng núi cao Nam Trà My từ nghèo đói trở thành triệu phú, tỉ phú và là cây tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, đẳng cấp quốc tế, cạnh tranh ngang hàng với các loại sâm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… trên toàn cầu đem về hàng tỉ ngoại tệ cho đất nước”.

Trên báo Thanh niên, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu kể, từ hôm cha con ông Hồ Văn Hạnh (50 tuổi) trú tại làng Tu Ton, thôn 4 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đào được củ sâm “khủng” hơn 100 tuổi, nặng gần 1 kg, bán được hơn 250 triệu đồng khiến ông nhiều đêm mất ngủ vì lo sợ một ngày nguồn gien tự nhiên của giống sâm quí hiếm này mai một.

Do đó, khi vị chủ tịch huyện nghe tin trong vườn nhà ông Hồ Văn Lĩnh còn gốc sâm Ngọc Linh Tổ đã quyết định vượt rừng lên tận nơi để kiểm tra. "Lúc nhìn gốc sâm 7 nhánh mọc xanh tốt trong vườn sâm của ông Lĩnh tui đã rơi nước mắt vì mừng”, ông Hồ Quang Bửu nói.

Chủ tịch huyện Nam Trà My cũng thông tin, ông đã làm việc với gia đình ông Lĩnh và 30 hộ dân ở thôn 3 xã Trà Linh tiếp tục bảo vệ cây sâm Ngọc Linh Tổ để nhân giống và đã được người dân đồng ý.

Lê Thanh (T/h)

Nguồn tin: Báo Người Đưa Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây