Quảng Nam trước thách thức biến đổi khí hậu

Thứ năm - 26/10/2017 03:13
Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Quảng Nam đang ở mức báo động, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái mà hàng ngàn hộ dân cũng đang bị uy hiếp tính mạng, tài sản. Địa phương nào cũng tha thiết được xây dựng kè chống sạt lở, tuy nhiên vấn đề nan giải vẫn luôn là: tiền đâu?
Sóng mạnh trong những ngày qua khiến lượng lớn cát ở biển Cửa Đại (Hội An) bị cuốn trôi.
Sóng mạnh trong những ngày qua khiến lượng lớn cát ở biển Cửa Đại (Hội An) bị cuốn trôi.

Kè khẩn cấp nhiều điểm sạt lở

Tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) công trình kè biển dài 1,8km với mức đầu tư 48 tỷ đồng từ Khu kinh tế mở Chu Lai xây dựng năm 2012 đang chới với giữa những cơn sóng dữ. Hiện nay 200 mét cuối thuộc kè của Khu kinh tế mở Chu Lai bị đánh sập. Đoạn kè bị hư hỏng, sạt lở khiến tình trạng xói mòn, xâm thực bờ biển tiến sâu vào thôn Thuận An. Một con lạch tự nhiên đã được mở ra, lấn sâu vào đất đảo, rộng gần 20m, dài gần 100m. Ngoài 17 ha rừng ngập mặn và 50 ha rừng nguyên sinh thì hầu như không  có công trình nào trụ được lâu dài trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên. Xã đảo Tam Hải được bao bọc bởi 4 bề sông nước, cách trở khiến đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhất là khi tình trạng xói mòn, xâm thực tăng cao. Ông Nguyễn Tấn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết trong 10 năm trở lại đây, biển đã xâm thực sâu vào đảo ở các thôn thuộc xã Tam Hải hơn 50m. Những rặng dừa, phi lao giờ đã bị sóng biển đánh trơ gốc song song với đó là những ao tôm của người dân thôn Thuận An, Tân Lập cũng bị buộc di dời. Trước nhu cầu bức thiết của địa phương, đầu tháng 8-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã phê duyệt đầu tư dự án “Sửa chữa khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển” tại thôn Tân Lập và thôn Thuận An với tổng vốn gần 21,5 tỷ đồng (T.Ư hỗ trợ 20 tỷ đồng), thực hiện năm 2017-2018. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.

Cũng chịu cảnh bị uy hiếp suốt nhiều năm trời, người dân sống dọc sông Bà Rén (thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên) luôn sống trong nỗi bất an rình rập. Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam từng đề nghị T.Ư hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở tại đây cùng với kè bờ biển Cửa Đại. 10 năm trở lại đây đã có hàng chục héc-ta đất ven sông bị cuốn trôi sau mỗi đợt mưa bão. Thiếu đất canh tác những làng nghề như làng trồng dâu nuôi tằm cũng dẹp bỏ. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ sông Bà Rén phía đông Cầu Chìm (thị trấn Nam Phước) dự kiến hơn 49,6 tỷ đồng (TƯ hỗ trợ 45 tỷ đồng), thực hiện năm 2017 - 2019. Ông Văn Bá Năm – Trưởng Phòng nông nghiệp H. Duy Xuyên chia sẻ: “Việc xây kè sông Bà Rén là mơ ước lâu nay của người dân. Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ khiến ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Dự án triển khai nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng hơn 18.900 dân cư sống ven sông; đất đai canh tác, các công trình hạ tầng. Ngoài ra tuyến kè còn phòng chống xói lở bờ sông, chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực. Đặc biệt bảo vệ khu trung tâm huyện và khu làng nghề truyền thống”.

Sóng đánh sập kè biển xã đảo Tam Hải (Núi Thành).

Bơm cát vào bãi biển Cửa Đại có thành công dã tràng?

Mới vào đầu mùa mưa nhưng sóng đã lấy đi của bờ biển Cửa Đại (Hội An) một khối lượng cát rất lớn, khiến những nỗ lực bơm cát cứu bãi biển này có nguy cơ trở thành công “dã tràng”. Bãi biển Cửa Đại cách đây một tháng vẫn còn một dải cát thoai thoải, thì nay dần bị bào mòn. Năm qua, cùng với việc kè chắn, việc bơm cát vào bãi biển Cửa Đại đã phát huy được tác dụng, du khách đã quay trở lại nơi đây để vui chơi, tắm biển. Tuy nhiên, mấy ngày qua Ban quản lý bãi tắm biển Cửa Đại phải cắm biển cảnh báo cấm tắm vì nhiều chỗ sóng đánh vào tạo hố sâu gần 2 mét, rất nguy hiểm. Việc cát tiếp tục bị sóng cuốn đi khiến không ít người lo lắng cho việc bơm cát cứu bãi biển Cửa Đại sẽ thành công “dã tràng”. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, từ khi biển Cửa Đại sạt lở, chính quyền đã đầu tư kinh phí và công sức rất lớn để cứu bãi biển. Thành phố Hội An đã tiến hành bơm khoảng 65.000m3 cát vào bãi biển Cửa Đại, trước đây khi Cục đường thủy nội địa nạo vét luồng lạch Cửa Đại cũng đã bơm 15.000m3 vào đây. Đến đầu tháng 9-2017, dự án nạo vét luồng lạch biển Cửa Đại được thực hiện trở lại, có khoảng hơn 50.000m3 cát tiếp tục được bơm vào bãi biển. Vì thế  bãi biển phần nào lấy lại dáng vóc ngày trước. Tuy nhiên, những cơn sóng mạnh đầu mùa mưa như một bài kiểm tra về tính khả thi của việc bơm cát cứu bãi biển.

“Từ năm 2015, mỗi năm Hội An chi hơn 1 tỷ đồng chống sạt lở biển Cửa Đại, vừa qua chúng tôi cũng đã chi 700 triệu đồng để gia cố những đoạn kè yếu, đó là chưa kể kinh phí từ dự án chống sạt lở khẩn cấp được T.Ư hỗ trợ.  Những ngày qua tình trạng cát bị sóng cuốn trôi khiến chúng tôi rất lo lắng”, ông Hùng cho biết. Trả lời câu hỏi, liệu việc kè và bơm cát vào Cửa Đại như hiện nay có cứu được bãi biển hay không, ông Hùng nói chưa thể khẳng định được. “Giải pháp đang thực hiện ở bãi biển Cửa Đại vẫn đang là thử nghiệm, chứ chưa phải tổng thể. Nếu bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp vào Hội An thì chắc chắn lượng cát ở Cửa Đại hiện nay sẽ còn bị bào mòn nữa. Vì vậy phải cần một giải pháp tổng thể và lâu dài, rất mong quyết định của UBND tỉnh để thực hiện dự án bảo vệ tổng thể bãi biển Cửa Đại”, ông Hùng nói. Còn ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “đã lập dự án trình Chính phủ và các bộ ngành liên quan xin vốn ODA bởi số tiền 42 triệu EURO rất lớn nên phải xin vốn từ nguồn ODA”. Việc xin dự án từ vốn ODA không phải trong ngày một, ngày hai, thế nên người dân Hội An vẫn phập phồng nỗi lo về sạt lở bãi biển Cửa Đại sẽ lại tiếp diễn...

Người dân làng Quảng Đại 1 (xã Đại Cường, H. Đại Lộc) kể về những lần chạy lũ
vì sợ nhà bị sập xuống sông do sạt lở.

Thu Bồn, Vu Gia mong ước một bờ kè!

Mấy tháng qua, bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường, H.Đại Lộc) tất bật các hoạt động xây dựng kè chống sạt lở. Làng Quảng Đại 1 nằm bên cạnh nơi giao nhau giữa hai sông Thu Bồn và Vu Gia thế nên tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng nhiều năm qua. Có đoạn, dòng Thu Bồn chỉ cách nhà dân hơn chục mét, nhiều nhà như nằm trên miệng vực, mùa mưa lũ đến hàng trăm hộ dân thấp thỏm, lo sợ. Tuy nhiên, ở H. Đại Lộc còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm khác ở các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng…nhưng chưa được kè chắn. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho hay: “Huyện xây dựng phương án từ trước, đến mùa mưa bão là di dời khẩn cấp những hộ dân sống trong vùng sạt lở. Để giữ đất, giữ làng chỉ có phương án kè chắn sạt lở, huyện rất mong muốn thực hiện nhưng kinh phí quá lớn”. Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Năm 2017 kinh phí kè đoạn sông sạt lở ở làng Quảng Đại 1 chỉ có 1,5km nhưng cần kinh phí lên đến 25 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào tháng 8, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thi công và đã hoàn thành 80% khối lượng công việc, vào cuối tháng 10 sẽ xong. Để kè những vùng sạt lở cần kinh phí rất lớn, trong khi đó ngân sách tỉnh khó khăn, trước đây phải nhờ T.Ư hỗ trợ. Nguồn vốn xây dựng các công trình kè chắn sạt lở rất nan giải”…

Vì thiếu kinh phí, thế nên mỗi mùa mưa bão, hàng chục khu dân cư bên bờ sông Vu Gia, Thu Bồn nơm nớp âu lo. Niềm mong ước có một bờ kè vững chãi bảo vệ xóm làng vì thế cứ lớn dần qua từng năm.a

Nguồn tin: cadn.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây