Nhức nhối nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Nam

Thứ tư - 21/10/2015 22:59
Những năm qua, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn âm ỉ xảy ra ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Hàng trăm trường hợp tảo hôn mỗi năm, trong đó nhiều trường hợp sinh đẻ ở độ tuổi 14-15 tuổi gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi…
Nhức nhối nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Nam

Chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị Hí (ở thôn 2 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn). Hí sinh năm 2001, năm nay vừa 14 tuổi, nhưng con gái giờ đã ở tuổi bồng nách.

Năm ngoái, nghỉ hè về làng, Hí có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi, người cùng làng). Hai “vợ chồng” không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về dựng tạm căn nhà ngay đầu làng, âm thầm sống với nhau và đứa bé chào đời.

Lúc mang bầu, Hí phải nghỉ học. Hỏi Hí và người nhà em rằng: “Chính quyền có biết không? Có nói gì không?”. Hí đáp: “Biết chứ. Chúng em ra xã xin đăng ký nhưng xã không cho vì chưa đủ tuổi. Lỡ có bầu, nên dắt nhau về sống, bao giờ đủ tuổi thì kết hôn”.

Ngoài Hí, tại xã Phước Thành còn có 2 trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi phải nghỉ học để lấy chồng.

Cô giáo Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn cho biết, đầu năm học này, có đến 6 em nữ sinh có bầu nên bỏ học. Cụ thể, có 3 em lớp 9, các lớp 10, 11, 12 mỗi lớp 1 em. Ngoài ra, còn có 2 em ở xã Phước Chánh nộp hồ sơ vào lớp 10 của trường nhưng chưa kịp đi học thì đã có bầu.

 

 

 Một bà mẹ trẻ phải dựng lều sinh con ở Phước Sơn. 

Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Bắc Trà My vừa tiến hành khảo sát thực trạng tảo hôn trên 116 trường hợp ở tất cả 12 xã, thị trấn, kết quả: Ở 11 xã có nạn tảo hôn, có 98 người đã và đang kết hôn trước tuổi qui định, trong đó có 24 nam và 75 nữ. Đáng nói, có 18 người kết hôn cận huyết thống (con cô-cậu-dì), trong đó 10 nam giới và 8 nữ giới.

Bác sĩ Lương Đình Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, thống kê chưa đầy đủ trên toàn tỉnh, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2010 lần lượt là 199 và 12; Năm 2011 là 194 và 7; Năm 2012 là 231 và 9; Năm 2013 là 235 và 5; Năm 2014 là 325 và 12; riêng năm 2015 đến nay đã có 256 trường hợp tảo hôn và 7 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Theo nhận định của ban Dân tộc tỉnh, những nguyên nhân diễn ra tình trạng tảo hôn là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn vẫn còn tồn tại.

Ở hầu hết các địa phương xảy ra tảo hôn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế.

Ông Đỗ Thanh Tân, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, quyết liệt.

Trước vấn nạn này, đầu tháng 10.2015, Ban Dân tộc đã lập và UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn 73 xã thuộc 10 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2020, với kinh phí hơn 10 tỉ đồng.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Nam giới kết hôn khi từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ giới kết hôn khi từ đủ 18 tuổi trở lên (điểm a, khoản 1, Điều 8, Chương II);

Nghiêm cấm các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng (điểm d, khoản 2, Điều 5, Chương I).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây