Về làng

Thứ ba - 08/09/2015 21:51

Về làng

Đã bốn mươi năm trôi qua, nhưng không khí chiến trận ngày ấy vẫn còn vang vọng. Ở tuổi mười tám đôi mươi, tôi cùng bạn bè trang lứa đã có một sự hòa nhập như lẽ hiển nhiên của tuổi trẻ vào những gian khó, máu lửa không một chút e dè, ngần ngại…

Ngày 7.8.1974, sau mười ngày đêm chiến đấu khốc liệt đầy máu lửa, Thượng Đức được giải phóng.

Nhớ lại ngày đầu tiên súng nổ, người dân làng tôi và các làng lân cận từ Đại An đến Dục Đông men theo cánh đồng chạy ra bến Miếu dọc bờ sông Con đào hầm trú ẩn tránh bom đạn. Thời ấy, làng tôi là vùng giáp ranh, ban ngày lính trên đồn Thượng Đức càn xuống đến chiều thì rút. Ban đêm giải phóng về. Chiến sự xảy ra thường xuyên, không lạ lẫm gì với người dân quê tôi. Ấy vậy mà sao  hôm ấy những bà mẹ, các chị phụ nữ, những cụ già, nhìn lên đồi Thượng Đức lửa khói ngút trời, trên khuôn mặt ai cũng phảng phất nỗi lo âu. Trẻ em cứ khóc thét mỗi khi nghe tiếng bom đạn ùng oàng. Ở ngoài bến Miếu được hai ngày đêm, nhìn về làng, ai cũng nơm nớp. Từ đầu làng đến cuối làng, cây cối đổ ngã, nhà cửa cháy sụp trơ trụi. Hướng khu dồn Hà Tân, chi khu quận lỵ Thượng Đức, chiến sự diễn ra ác liệt, những cột khói cao ngất trời, tiếng nổ của các loại bom pháo ầm ầm không dứt. Bóng các chiến sĩ giải phóng thoắt ẩn thoắt hiện trong sương sớm bên kia bãi Kiền Kiền, vùng đất giáp ranh Hà Tân.

Khoảng trời chập choạng tối ngày thứ ba của cuộc chiến, dân các làng từ Đại An đến Hà Dục Đông đang trú ẩn dọc sông Con, theo sự hướng dẫn của các anh chị du kích và bộ đội, bồng bế nhau sơ tán lên nguồn để tránh bom đạn. Trong ánh đêm lờ mờ, thỉnh thoảng, ánh chớp nhùng nhằng của những trái đạn pháo nổ đâu đó thoáng chốc soi rõ bao khuôn mặt người hốc hác lo âu đang tất tả trên con đường hẹp chạy vào đồng Cửa Trại. Tiếng la hét, tiếng gọi nhau í ới, tiếng khóc hoảng hốt của những đứa trẻ lạc người thân… náo động cả một vùng.

Đêm ấy, đoàn người lánh nạn của làng tôi mò mẫm theo các anh chị du kích xã Lộc Bắc, Lộc Bình; các anh chị cán bộ, bộ đội dẫn đường men theo lối mòn vào tiền đồn Gò Cấm, vào Hóc Tộc, Hóc Lầy lên Thái Sơn. Những địa danh này không xa lạ với tôi, vì mỗi lần hè đến là bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau vào những ngách núi này để đi củi, hái sim, đặt lờ thả cá… Vậy mà sao cái đêm lánh nạn ấy, mỗi bước chân  rời xa ngôi làng thân thuộc trong lửa đạn cứ bồn chồn, rối ríu ngập ngừng, lạ lẫm.

Qua một đêm dò dẫm mệt mỏi đến kiệt sức để vượt qua nhiều con khe, rừng cây rậm rạp, mờ sáng hôm sau chúng tôi đến chân dốc An Điềm. Dưới những lùm cây dại, chúng tôi ngồi nghỉ lấy sức rồi tiếp tục hành trình sơ tán. Băng qua hàng chục đoạn dốc cao, lên Nà Kén, Vực Hàm, Khe Tre…, trưa hôm đó, chúng tôi lội qua sông Con, dừng lại ở Cột Bườm - một khoảnh đất ở thượng nguồn tương đối bằng phẳng nằm dọc theo một con sông nhỏ, xung quanh là núi non trùng điệp. Được cán bộ cách mạng hướng dẫn, giúp đỡ, chúng tôi dựng tạm cho mỗi gia đình một lán trại, nhận gạo cấp phát, người lớn một lon rưỡi, trẻ em một lon mỗi ngày. Nhân dân cử Ban tự quản thôn lo đôn đốc việc phát rẫy sản xuất lương thực, tham gia khiêng thương tải đạn phục vụ chiến trường. Chiến dịch Thượng Đức đang hồi quyết liệt. Tôi và bạn bè, những thanh niên trai tráng trong làng được lập thành đội ngũ để chuẩn bị về lại làng cũ chiến đấu theo yêu cầu của cách mạng.

Bến sông nơi đầu nguồn Vu Gia. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Bến sông nơi đầu nguồn Vu Gia. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Sau mười ngày sơ tán lên Cột Bườm, khi đã cùng gia đình, bà con xóm giềng ổn định nơi tạm trú trên vùng giải phóng, tôi cùng nhóm thanh niên quay về làng cũ. Sáng hôm ấy, trời trong xanh không một gợn mây. Dưới sự chỉ huy của một cán bộ tên Lợi (sau này tôi mới biết chú Lợi là cán bộ kiểm lâm huyện), nhóm anh chị em chúng tôi khoảng mười người đều là thanh niên của thôn Đại An nhận nhiệm vụ về lại làng cũ làm du kích bảo vệ thôn xóm. Lội qua bến sông, chúng tôi lần theo con đường mòn từ làng Hiệp xuống, bắt đầu hành trình đi về phía tiếng súng nổ. Nơi ấy chiến sự đã diễn ra đến ngày thứ mười. Âm thanh ùng oàng của các loại đạn pháo càng lúc càng rõ dần, chú Lợi nhắc nhở chúng tôi bình tĩnh, cảnh giác, nếu có pháo bắn phải linh hoạt ẩn nấp. Đi bộ được vài tiếng đồng hồ thì đến Khe Tre, chúng tôi gặp đoàn người sơ tán từ khu dồn Hà Tân kéo lên. Tôi gặp những người quen như gia đình dì Quế, ông ngoại Hường, cả nhà mấy đứa bạn học cùng lớp… sau mười ngày chịu đựng bom đạn ác liệt ở khu dồn bây giờ mới thoát ra và được cách mạng đưa đi sơ tán. Gặp chúng tôi ai cũng vui mừng hỏi thăm tình hình, hoàn cảnh nơi sơ tán ra sao. Chúng tôi kể lại những điều đã chứng kiến trong mấy ngày qua, được cách mạng chăm lo chỗ ăn ở chu đáo. Bà con nghe thế cũng yên tâm.

Ngược lối đoàn người sơ tán đến phía núi xa, chúng tôi tiếp tục hành trình về làng cũ. Qua Nà Kén, An Điềm, chúng tôi gặp một trận địa pháo của bộ đội với những nòng pháo đang vươn cao, không gian chưa tan hết mùi thuốc súng. Những chiến sĩ hối hả đi về phía mặt trận; những cáng thương ngược lối đến các trạm phẫu tiền phương… Chúng tôi về đến thôn Hoằng Phước Bắc đúng lúc một tốp máy bay chiến đấu từ phía Đà Nẵng hùng hổ lao đến ném bom cứ điểm Thượng Đức và các khu vực lân cận. Tiếng bom rít trên đầu nghe đến rợn người, ánh chớp giật lóa cả mắt, tiếng nổ ùng oàng đến thót tim, khói bốc lên ngút trời, mảnh bom văng tứ tung. Chúng tôi nấp xuống các công sự ven sông, nơi trận địa pháo cao xạ đang nã từng loạt đạn lên bầu trời. Một chiếc máy bay bốc cháy rơi xuống đâu đó trên cánh đồng Hà Tân. Những chiếc còn lại vội cắt bom rồi chuồn thẳng trong tiếng reo vui của các anh bộ đội trên trận địa.

Chúng tôi băng qua bãi Kiền Kiền, lội sông, về đến làng vào trưa hôm ấy. Vì đã được báo trước, các chú cán bộ Ủy ban quân quản xã Lộc Bắc ra tận đường cái lớn đón chúng tôi đưa vào làng. Vui mừng nhất là tôi được gặp lại mấy đứa bạn trong làng như Năm, Phụ, Xí, Sáu… mà ngày đầu tiên súng nổ được cách mạng đưa đi trước, bây giờ cũng đã về đây. Làng tôi ngày ấy nổi tiếng trù phú, cây cối tốt tươi, chiều dài gần cây số. Ấy vậy  mà sau mười ngày chiến sự, cây cối ngã đổ, nhà cửa tan tác vì bom đạn, nhìn thấu từ đầu làng đến cuối làng, mắt trông đến chạnh lòng.

Chúng tôi được tập huấn chính trị, hướng dẫn nhiệm vụ chiến đấu, trang bị vũ khí thu được từ trận đánh Thượng Đức. Những ngày ấy thật đáng nhớ, trên bom dưới đạn nhưng chúng tôi chẳng biết sợ chút nào, cùng các anh, các chú cán bộ xã đội Lộc Bắc ngày đêm bám giữ địa bàn. Chúng tôi tham gia viết vẽ pa nô, áp phích cổ động chiến đấu, dọn dẹp nhà cửa đường sá, khiêng thương tải đạn phục vụ trận chiến 1062, dẫn giải tù binh và sẵn sàng chiến đấu khi địch đổ quân phản kích tái chiếm Thượng Đức. Khoảnh khắc chiến trận ngày ấy đã nung nấu thêm bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Suốt ba tháng ở làng, ba tháng giằng co giữa bộ đội ta với lính dù ở điểm cao 1062 máu lửa, chúng tôi chứng kiến những tấm gương hy sinh cao đẹp, lòng dũng cảm kiên cường của các anh bộ đội Cụ Hồ đã làm nên chiến thắng Thượng Đức. Cho đến hết tháng 9.1974, tôi được cử đi học khóa sư phạm cấp tốc rồi về làm giáo viên vùng giải phóng, bắt đầu một bước ngoặt mới trong cuộc đồng hành của tuổi xuân với đất nước, quê hương.

Đã bốn mươi năm, nhưng không khí chiến trận ngày ấy cứ hừng hực như mới hôm qua. Ở tuổi mười tám đôi mươi, tôi đã cùng bạn bè trang lứa có một sự hòa nhập như lẽ hiển nhiên của tuổi trẻ vào những gian khó, máu lửa không một chút e dè, ngần ngại. Hầu như mỗi chúng tôi đều thấy rằng, Thượng Đức giải phóng đã cho từng cuộc đời, từng số phận những bước ngoặt quan trọng, để rồi sau bốn mươi năm nhìn lại những mốc thời gian đi qua, càng thấy yêu thương hơn quê xứ, càng thấy biết ơn những người đã ngã xuống cho quê hương đất nước được trường tồn.

Bút ký của NGUYỄN LỘC BÌNH

Nguồn tin: nguoiquangxaque.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây