Những người đánh thức Mỹ Sơn: Khám phá thánh địa trong rừng thẳm

Chủ nhật - 08/10/2017 21:56
Để có một Mỹ Sơn (Quảng Nam) được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa nhân loại như hôm nay, nhiều người trong và ngoài nước bằng vị trí và công việc của mình đã góp công sức khám phá, gìn giữ, bảo vệ di tích.
Những người đánh thức Mỹ Sơn: Khám phá thánh địa trong rừng thẳm

Cách đây hơn 100 năm, chỉ khi H.Parmentier, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ Pháp cùng đồng sự là Charles Carpeaux (nhân viên Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) đến nghiên cứu Mỹ Sơn, người ta mới biết đến sự tồn tại của một khu đền tháp uy nghi giữa rừng sâu miền Trung VN.

Dựng “pháo đài” chống thú dữ

Nhiều tài liệu ghi lại, vào năm 1885, một toán lính Pháp đã tình cờ phát hiện khu tháp Chăm Mỹ Sơn giữa rừng cây thâm u. H.Parmentier (sinh năm 1871 tại Paris, Pháp, tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường Mỹ thuật Paris) và Charles Carpeaux là những người đầu tiên được cử đến Mỹ Sơn để nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật. Theo The Archaeology of Ancient Champa: The French Excavations - Pierre Baptiste, ngày 22.12.1902, tại Hà Nội, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định đề cập đến việc “tạm ứng một số tiền 1.500 đồng, giao cho ông Henri Parmentier, người có trách nhiệm sử dụng nó đúng vào mục đích khai quật khảo cổ học ở miền Trung VN”.

Bài viết Champa and the Archeaology of My Son (Vietnam), NUS Press, Singapore 2009, dẫn theo nhật ký của C.Carpeaux và báo cáo khai quật của H.Parmentier, thời điểm cả 2 đến Mỹ Sơn bằng phương tiện chủ yếu là ngựa thồ và đi bộ. Thời tiết khắc nghiệt cộng với thiên nhiên xứ sở nhiệt đới với nhiều loại rắn, côn trùng độc… đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của cả hai. Cũng theo nhật ký của Carpeaux, vì sợ thú dữ tấn công, họ đã chọn một ngọn núi cao có tầm nhìn bao quát và nằm biệt lập giữa thung lũng để dựng “đại bản doanh”.

Trong cuốn sách ảnh Missions Archéologiques xuất bản tại Pháp có đăng bức ảnh cực kỳ quý giá ghi cảnh các chuyên gia ở lại trong một căn nhà bằng gỗ. Nhìn vào bức ảnh có thể thấy họ đã thuê người bản địa dựng hàng rào bao quanh bằng cây rừng vót nhọn đan xen, dày đặc, cao khoảng 4 m để chống thú dữ. Quang cảnh không khác gì một “pháo đài”. Dù kiên cố là vậy nhưng có lần một công nhân bị cọp tấn công và tha đi mất trong đêm.

Những tư liệu quý giá

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, vì quá nguy hiểm và vất vả nên nhiều công nhân đã bỏ về, C.Carpeaux thường xuyên về Đà Nẵng để nghỉ ngơi. Chỉ riêng H.Parmentier bám trụ nhiều ngày đêm, kể từ 11.3.1903 đến 3.2.1904 để khảo sát, thống kê, đạc họa, chụp ảnh các công trình kiến trúc, nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc tại Thánh địa Mỹ Sơn.

“Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn các phương tiện kỹ thuật, những bản đạc họa của H.Parmentier tại Mỹ Sơn vẫn được thể hiện rất chi tiết và khá chính xác. Hàng trăm bản vẽ mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt các tháp Chăm cùng họa tiết trang trí đã trở thành những tài liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu và trùng tu di tích”, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, nhận định.

Đến năm 1904, H.Parmentier đã công bố công trình Les monuments du cirque de Myson (tạm dịch là Những di tích trong thung lũng Mỹ Sơn) trong Kỷ yếu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (B.E.F.E.O). Vào năm 1909, ông tiếp tục cho ra mắt công trình nghiên cứu tựa đề Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam (tạm dịch: Kiểm kê khảo tả các di tích Chăm ở An Nam). Những bản vẽ của ông hiện vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương cũng cho rằng: “Nếu không có các nghiên cứu của H.Parmentier thì nhiều kiến trúc, mỹ thuật Chăm nói chung và của Mỹ Sơn nói riêng đã biến mất mãi mãi, chẳng hạn thông tin về ngọn tháp A1 có chiều cao cao nhất Thánh địa Mỹ Sơn với 28 m đã bị bom đánh sập trong chiến tranh”.

Năm 1915, người Pháp sau một thời gian thu thập tượng, tác phẩm điêu khắc tiêu biểu trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có Mỹ Sơn đã tiến hành xây dựng công trình mô phỏng kiến trúc của người Chăm có tên gọi Les Chams au Musée de Tourane (Người Chăm ở Bảo tàng Đà Nẵng). Chính H.Parmentier được phân công trông coi và có công lớn trong việc phân loại, sắp xếp các bộ sưu tập theo niên đại, phong cách tại bảo tàng này. Hiện nơi đây là Bảo tàng điêu khắc Chăm.

Hoàng Sơn - Huy Đạt

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây