Người trưởng thôn được lòng dân

Thứ sáu - 09/10/2015 21:49
28 năm làm thôn trưởng, 14 năm liên tục thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, ông Trà Viết Sơn, Thôn trưởng thôn 5 xã Tiên Thọ (H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã ghi một kỳ tích, rất đáng biểu dương.
Người trưởng thôn được lòng dân

28 năm làm thôn trưởng, 14 năm liên tục thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, ông Trà Viết Sơn, Thôn trưởng thôn 5 xã  Tiên Thọ (H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã ghi một kỳ tích, rất đáng biểu dương.

Thôn 5 có 70 hộ với 352 khẩu, trong đó có đến 14,3%  hộ nghèo, cận nghèo, hộ già neo đơn; trước đây giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; điện lưới quốc gia tuy đã có từ năm 1996 nhưng điều kiện hạ tầng không đảm bảo nên điện áp rất thấp không đủ phục vụ sinh hoạt của người dân,... Đó là những cái khó của người dân thôn 5 trong thực hiện các phong trào thi đua được các cấp chính quyền phát động. Nhưng với tâm huyết, kinh nghiệm và sự cố gắng, nỗ lực của ông Sơn cùng toàn thể bà con trong thôn đã đem lại thành tích đáng nể: luôn hoàn thành tốt các phong trào thi đua ở địa phương, 14 năm liên tục giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa.

Ông Trà Viết Sơn đang chăm sóc cây trái trong vườn.

 Từ ngày phát động xây dựng thôn văn hóa (14-8-2000), ông Sơn đã vận động nhân dân xây dựng lại nhà thôn có nơi cho bà con sinh hoạt. Trong tổng dự toán hơn 30 triệu đồng, UBND xã chỉ hỗ trợ 13 triệu, số còn lại vận động nhân dân góp hơn 300 ngày công để thôn có một ngôi nhà sinh hoạt khang trang, bề thế. Diện tích đất còn lại của thôn gần 1 mẫu, ông vận động bà con trong thôn trồng keo gây quỹ, nhờ vậy Ban Dân chính thôn có kinh phí để hoạt động, xây dựng cổng  chào cũng như các chi phí phát sinh trong công tác cơ sở. Trích từ nguồn kinh phí ít ỏi đó, hằng năm ông vận động bà con nhân dân đóng góp gây quỹ khuyến học, tổ chức phát thưởng, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Từ chỗ thôn không có gia đình nào có con em học quá bậc phổ thông thì nay  đã có gần 30 em là sinh viên đại học, cao đẳng. Câu chuyện làm giao thông nông thôn mới là khó khăn vì dân số ít đường đi vào thôn phải hơn 2 km chưa nói đường liên xóm. Vậy mà đến hôm nay hệ thống đường giao thông đã hoàn thiện, mặt đường đã gần đạt chuẩn. Thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Trà Viết Sơn lại tiếp tục đến từng hộ gia đình vận động để bà con hiểu chủ trương tự nguyện hiến đất, hiến vườn, chặt cây để mở rộng mặt đường, mỗi hộ tự nguyện góp từ 5 - 6 triệu đồng làm mặt bằng giao thông cùng Nhà nước hoàn thành các tuyến đường bê-tông liên xóm, nhà văn hóa-khu thể thao. Có hộ đã hiến đến hàng trăm mét vườn, đất, ruộng như hộ Nguyễn Xuân Lĩnh, Nguyễn A, Nguyễn Thị Sen; cả người dân thôn 6 cũng tình nguyện hiến đất cho thôn 5 mở đường như hộ ông Phạm Hồng Cư... Thế mới thấy cái tài vận động của Ban Dân chính thôn mà đứng đầu là thôn trưởng Trà Viết Sơn.

 Một bí quyết của sự thành công mà ông Trà Viết Sơn  chia sẻ, đó là tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Nếu như công tác xét chọn hộ nghèo dễ gây bức xúc ở nhiều nơi thì ở đây hầu như không hề có bởi chính người thôn trưởng đã rất công tâm và luôn vì quyền lợi của bà con, những hộ dân được Ban Dân chính thôn xét chọn hộ nghèo đưa ra dân đều được biểu quyết thống nhất 100%. Trong thôn gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn đều được thôn đứng ra vận động bà con giúp đỡ. Như gia đình bà Phạm Thị Lan có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị nạn trong lúc con trai đi nghĩa vụ, hai năm nay thôn đã vận động bà con hỗ trợ từ việc cày cấy, chăm sóc đến thu hoạch hơn hơn 2 sào ruộng. 28 năm làm thôn trưởng, ông Trà Viết Sơn có 27 năm nhận bằng khen, giấy khen của các cấp từ xã, huyện đến tỉnh...
 



Đường làng, ngõ xóm tươm tất, khang trang có sự đóng góp không nhỏ
của người trưởng thôn tận tụy.


Tuy luôn bận bịu công việc của thôn nhưng ông Trà Viết Sơn vẫn luôn toàn vẹn việc nhà. Vợ chồng ông chăm sóc hơn 8 sào ruộng, mỗi vụ cho thu hoạch gần 400 ang lúa. Tăng gia sản xuất rau đậu và trồng cây ăn quả trong 8 sào đất vườn. Mỗi mùa thanh trà đều mang đến cho ông một khoản thu nhập không nhỏ. Gia  đình ông còn nuôi trâu, bò lấy sức kéo và tăng thu nhập; trồng và chăm sóc hơn 4ha rừng keo lá tràm, đến nay đã qua hai mùa thu hoạch, bình quân mỗi năm vài chục triệu đồng... Hỏi ông "bí quyết" đảm việc nhà, việc nước, ông cười hiền lành: "Cái thời khó khăn như  những năm 80, 90 của thế kỷ trước mà tui còn bám thôn để làm được huống chi bây giờ... Hai con đã lớn, lập gia đình có thể đỡ đần vợ chồng tôi những công việc nặng nhọc nên tôi có điều kiện hơn trong công tác xã hội".

Hãy nghe nhiều người dân trong thôn nói về người thôn trưởng của mình. Bà Phạm Thị Sen: "Chồng tôi chết bất ngờ, nhà không còn ai làm tôi suy sụp tinh thần, may mà có bà con trong làng xóm, và có ông thôn trưởng luôn là người trước tiên giúp đỡ...". Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, người đã hiến 2,5 sào đất để mở đường làm nông thôn mới tâm sự: "Tôi tin tưởng tuyệt đối vào ông thôn trưởng vì bao lâu nay ông ấy luôn  vì tập thể, vì cái chung hoàn toàn không có tư lợi nên bản thân tôi cũng vì cái chung mà hy sinh quyền lợi cá nhân". Bà Nguyễn Thị Liễu: "Chừ mà có bầu thôn trưởng cũng chỉ bầu cho ông Sơn thôi, thôn ni ai  được như ổng. Ổng tốt lắm cô ơi, ổng làm vì cái chung chưa bao giờ có tính cá nhân, luôn vì công ích...".

  Hôm gặp ông trò chuyện, nhóm phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam cũng đến thôn 5 thực hiện một phóng sự về gương điển hình của người thôn trưởng này qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua của tỉnh. Đó là chân dung một người trưởng thôn rất đời thường, dung dị nhưng đầy trách nhiệm và tình thương với cuộc sống, với cộng đồng.

Nguồn tin: cadn.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây