Câu chuyện đậm tình người.

Thứ hai - 21/10/2019 23:57
Người dân thôn Tân Quý và xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) ai cũng khâm phục tấm lòng nhân ái của bà Lê Thị Mộng Thu. Hơn 5 năm qua, bà Thu đã tự nguyện giúp đỡ cụ bà mù lòa, neo đơn Nguyễn Thị Mịch ở cùng thôn.
Câu chuyện đậm tình người.

Năm nay bà Thu đã bước sang tuổi 51, còn cụ Mịch cũng đã ngoài 80 tuổi, song bà Thu vẫn chu đáo chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho cụ Mịch như mẹ ruột của mình… 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng thôn Tân Phú cho biết: “Cụ Mịch và bà Thu không có quan hệ gì, chỉ vì thấy hoàn cảnh của cụ Mịch đáng thương nên bà Thu đã nhận về nhà phụng dưỡng.

Từ lúc về ở với gia đình bà Thu, được bà Thu chăm sóc ăn uống đầy đủ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ nên cụ Mịch khỏe hẳn lên. Tấm lòng của bà Thu được chính quyền xã và huyện ghi nhận, nhiều năm liền bà Thu được tặng giấy khen “Hội viên Phụ nữ giỏi”, “Hội viên Phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Chúng tôi đến nhà bà Thu nằm bên tuyến đường ĐT615. Đó là căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Căn nhà này là tổ ấm gia đình thực sự của cụ Mịch, như lời cụ tâm sự:

“Tui không sinh ra con Thu, không nuôi nấng nó một ngày nào, nhưng giờ đây nó xem tui như mẹ ruột; còn tui cũng coi nó như con mình dứt ruột đẻ ra”, cụ Mịch tâm sự. 

Theo lời cụ Mịch, cụ là hàng xóm của bà Thu. Năm cụ chưa tròn 3 tuổi thì bị đau mắt và vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Từ đó cụ phải sống trong cảnh nương tựa vào người thân.

Không lâu sau đó, cha mẹ của cụ lần lượt qua đời, để lại cụ cho người anh trai chăm sóc. Thương hoàn cảnh của em gái, anh trai cụ là ông Nguyễn Khoái quyết định không lập gia đình mà ở vậy nuôi em. Ông Khoái hằng ngày kiếm công việc gần nhà để tiện chăm lo cho cụ Mịch, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mãi đến năm 2013, sau cơn bạo bệnh, ông Khoái đã ra đi vĩnh viễn. 

“Khi ông Khoái bị bệnh, tôi cũng thường xuyên qua chăm nom 2 người. Thấy hoàn cảnh anh em cụ Mịch đáng thương nên hàng xóm ai cũng giúp đỡ. Từ lúc ông Khoái mất đi, cụ Mịch một mình mò mẫm, sống chật vật trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp nên tôi thường xuyên lui tới chăm nom cụ”, bà Thu nói. 

Nhớ lại chuyện cũ, bà Thu kể rằng, cụ Mịch rất khó tính, nếu những việc gì không vừa lòng là cụ lập tức nổi nóng, nặng lời… Nhưng với tấm lòng thơm thảo, yêu thương cụ Mịch, bà Thu vẫn ngày ngày kiên nhẫn tới lui chăm sóc, động viên cụ ăn uống rồi dần dần cũng được cụ chấp nhận. 

Mấy tháng sau, thấy việc qua lại chăm sóc như vậy rất bất tiện, lỡ lúc trở trời, hay giữa đêm khuya cụ Mịch đau ốm đột xuất không ai phát hiện thì nguy hiểm nên bà Thu đã bày tỏ mong muốn đưa cụ về nhà chăm lo cho tiện. “Từ lúc 6 tuổi tôi đã mồ côi mẹ nên khi thấy hoàn cảnh của cụ Mịch tôi rất xót, trong đầu đã có ý nghĩ sẽ nhận cụ về chăm sóc.

Tuy gia đình tôi cũng còn nhiều khó khăn, biết nhận cụ về nhà chăm lo mình sẽ rất khổ, nhưng tôi vẫn chấp nhận, chỉ cần thấy cụ khỏe mạnh là tôi đã hạnh phúc rồi”, bà Thu tâm sự. Nhờ hiểu được tấm lòng của bà Thu nên chồng và 3 người con của bà Thu cũng đều đồng ý nhận cụ Mịch về nuôi dưỡng.

Thế là năm 2014, gia đình bà Thu sắp xếp lại không gian chật hẹp của mình, bố trí riêng cho cụ Mịch một căn phòng phía sau, đón cụ Mịch về để tiện bề chăm sóc. Mỗi ngày bà Thu chăm lo ba bữa cơm đều đặn cho cụ Mịch, giặt giũ, làm vệ sinh thân thể cho cụ. Từ lúc về nhà bà Thu, được gia đình bà Thu chăm sóc nên cụ Mịch cũng đỡ vất vả và khỏe ra. 

Nhớ lại những ngày tháng qua, bà Thu bùi ngùi nói rằng, có một vài người đơm đặt, dè bỉu rằng, bà vì đất đai, tài sản của cụ Mịch nên mới làm như thế. Nhưng bà đã từng trao đổi với cụ Mịch và cả những người là lãnh đạo địa phương, bà tình nguyện phụng dưỡng cụ Mịch là do thương cảm, muốn giúp đỡ cụ, bà không cần đất đai, tài sản gì cả.

“Tôi nghĩ, chắc kiếp trước mình mắc nợ cụ Mịch nên kiếp này phải trả. Với suy nghĩ ấy, cùng với sự động viên của những người tốt bụng mà tôi đã vượt qua được những lời dị nghị”, bà Thu bày tỏ nỗi lòng.

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây