Về ăn xôi đường đậu đen xứ Quảng

Thứ hai - 12/10/2015 02:34
Không quá bắt mắt như Cao lầu Hội An, không nổi tiếng nhiều như Mì Quảng, không chế biến cầu kì như bê thui Cầu Mống thế nhưng cái món Xôi đường đậu đen của xứ Quảng phải khiến bao người con xa quê phải nhớ, phải thèm mỗi khi được nhắc đến…
Xoiduongjpg 030517
Xoiduongjpg 030517
Nhắc đến xôi đường đậu đen xứ Quảng là người ta hay nhớ đến một món ăn chân chất, mộc mạc và bình dị như chính những người dân nơi đây.
Tôi không biết xôi đường đậu đen quê tôi có tự bao giờ ? do ai chế biến thành ? nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, ở quê tôi, cái món ăn bình dị, mộc mạc ấy luôn được đặt trong những mâm cơm để cúng tổ tiên trong các dịp đám giỗ, đám làng…
Với Tôi, xôi đường xứ Quảng nó không chỉ là một món ăn đơn thuần thông thường mà đó còn là món ăn gợi nhớ rất nhiều những kỷ niệm, là nơi chứa đựng cái tình cảm quê hương. Tôi nhớ, ngày nhỏ ở quê, mỗi lần nhà bên cạnh có đám giỗ là bọn trẻ con chúng tôi lại háo hức trông chờ để chia nhau những miếng xôi đường do hàng xóm gửi cho, hay những buổi chiều ngồi trong góc bếp để được ăn những miếng xôi cháy mà mẹ và bà để lại... Rồi như thế, xôi đường cũng dần trở thành món quà quê của bọn trẻ chúng tôi, những đĩa xôi đường vuông, tròn được gói ghém cẩn thận trong những chiếc lá chuối xanh luôn được mẹ mang về sau những lần đi về ngoại hay đám giỗ ở đâu đó…
 

 
Nói về cách nấu xôi đường, tôi cũng được nghe khá nhiều chia sẻ của mẹ và bà, về nguyên liệu chính để có một mâm (khay) xôi đường đậu đen thơm ngon thì cần phải phải chuẩn bị: Gạo nếp, đậu đen, gừng, hạt mè (vừng) rang và đường bát…Trong tất cả các bước để có một khay xôi thơm ngon thì khâu nấu gạo nếp (xôi) là quan trọng nhất. Nấu gạo nếp (xôi) không phải chỉ đơn giản là việc bỏ gạo nếp vào nồi rồi đun lên nấu, mà nó đòi hỏi sự cẩn trọng tỉ mỉ của người nấu, phải đổ nước như thế nào cho xôi không được quá nhão, phải canh lửa thế nào để xôi không được cháy khét hoặc khô. Nếu xôi bị ướt, nhão thì khi cho nước đường vào sẽ càng nhão hơn, còn nếu xôi quá khô thì khi đổ đường vào, nếp sẽ quánh cứng lại như vậy thì mâm xôi đường sẽ không được ngon hoặc sẽ bị nát chảy khi cắt ra từng miếng...
Về đậu đen cũng vậy, đậu đen cần phải được ngâm qua nước trước khi đem nấu chín, rồi lấy một phần nước để ngâm gạo, nên khi đổ lên, xôi sẽ có màu tím sẫm. Để mâm xôi đường có vị ngọt thanh, thơm ngon thì nước đường cần phải được nấu bằng đường bát Quảng Nam. Sau khi nấu đường tan chảy rồi lọc sạch chất bẩn,  thì cần cho đậu đen và gừng già đập nhỏ vào trong nước đường để trên lửa riu riu để đường từ từ ngấm vào hạt đậu, rồi đem trộn xôi nếp với đậu đen đã sên đường…Để mâm (khay) xôi đường thêm đẹp hơn, thì sau khi xong cần phải cho xôi vào mâm (khay), lót dưới là một ít lá chuối xanh, cần phải rửa sạch và thoa qua một ít dầu phộng để chống dính, rồi cùng lá chuối ép xôi tràn đầy mâm (khay) và cuối cùng là rải một ít mè được rang chín để mâm (khay) xôi đường trở nên được thơm ngon và hấp dẫn…
 

 
Tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm thoang thoảng của gừng già, cái chất dẻo thơm của gạo nếp, cái vị béo bọt của đậu đen, cái ngọt thanh không ngấy của đường bát trong miếng xôi đường xứ Quảng lần đầu được ăn. Và trong cái hương vị mộc mạc, hấp dẫn, bình dị ấy còn có chút tình thương của mẹ, của bà, đó là thứ giúp cho mâm (khay) xôi đường xứ Quảng thơm ngon hơn bao giờ hết.   
Giờ đây tôi đã khôn lớn, đã đi khắp những vùng trời đất nước, nếm biết bao những món ăn quê người, nhưng nhiều lúc tôi lại bỗng thấy thèm một miếng xôi đường của quê mẹ, bởi tôi nhận ra rằng, trong món xôi đường ấy còn có cả bóng hình quê hương, và cả những kỷ niệm tuổi thơ tôi…  

Tác giả bài viết: Mạnh Văn

Nguồn tin: Nguoiquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây