Làng quê Việt hồi sinh giữa lòng xứ Quảng

Thứ hai - 05/09/2016 03:54
Về Triêm Tây hôm nay, những lũy tre xanh, hàng chè tàu nối nhau chạy dọc lối đi quanh làng. Những người phụ nữ vui cười chẻ cói bên bờ sông, những cô thiếu nữ trong tà áo bà ba nay có thể tìm một công việc ngay chính quê hương mình. Tiếng khung dệt chiếu, những bước chân du khách khiến nơi này thực sự hồi sinh, mảnh đất mà những người con xứ Quảng đã có lúc buộc phải rời xa bởi những cơn nước lũ.
Làng quê Việt hồi sinh giữa lòng xứ Quảng

Giữ từng tấc đất, con người chân quê

Một ngày hè, ngược dòng Thu Bồn, những người lữ khách nghe danh về một làng quê Việt giữa mảnh đất xứ Quảng háo hức trước cảnh sắc mây trời. Người lái thuyền luồn lách qua các cồn cát mà chỉ những người làng mới am tường đường đi nước bước để về với Triêm Tây - làng quê Việt bên sông.

Nằm cách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), hai mặt nam, bắc giáp sông Thu Bồn, làng Triêm Tây như một ốc đảo phía cuối hạ nguồn, xanh biếc bốn mùa. Tự hào với vẻ đẹp của Triêm Tây hôm nay, thế nhưng người dân nơi đây đều luôn nhắc với mọi du khách về câu chuyện chẳng quá xa xôi. Chỉ vài năm trước, hàng trăm hộ dân nơi đây đã có lúc buộc phải rời bỏ mảnh đất này.
Chị Khiêm - một trong số những hộ gia đình từng chuẩn bị di dời - kể: “Cứ đến mùa mưa, nước dâng cao là những nhà dân gần bờ sông lại nơm nớp lo sợ nước cuốn. Gia đình tôi và nhiều hộ khác đã từng được vận động di tản, tìm nơi ở mới. Chúng tôi cứ nghĩ, Triêm Tây rồi sẽ bị mất dần vì những con nước lũ”.

Năm 2009, 147 hộ dân Triêm Tây được chính quyền Quảng Nam đưa vào diện di dời bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Thế nhưng ngay chính thời điểm ấy, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - Viện sĩ Viện Hàn lâm Kiến trúc quốc gia Pháp, một người con xứ Quảng - lại “xông pha” về níu giữ từng tấc đất Triêm Tây. “Lúc đó người làng ai cũng thấy lạ nhưng mà hy vọng nhiều lắm. Có ai muốn bỏ quê hương mà đi bao giờ” - chị Khiêm kể.

Một dự án du lịch sinh thái ngay chính trên mảnh đất xói lở được đệ trình lên các cấp. Trên con thuyền ngược dòng Thu Bồn, ông Quốc chỉ tay về ốc đảo Triêm Tây, kể về những ngày đầu giữ đất. Đóng vai người lội người dòng, thuyết phục được lãnh đạo địa phương, cuối năm 2009, sau trận lũ lụt tồi tệ nhất, ông bắt đầu tìm cách củng cố bờ sông với một số tiêu chí cũng “khác người”. Tất cả các công trình phải được thực hiện bởi người dân địa phương, các công cụ thực hiện chỉ cần đơn giản và làm bằng tay.

Đặc biệt, bờ kè được làm từ các thành phần tự nhiên. Thay vì chỉ độc mỗi bêtông cốt thép hay xây theo kiểu dựng đứng, ông Quốc cho dựng bêtông đan xen những hàng cây, xây bờ kè theo hình bậc thang.
Mất 3 năm ròng rã, năm 2011, Nghị định sơ tán làng Triêm Tây đã bị hủy bỏ khi hàng trăm mét bờ đê được hoàn thiện. Không ai phải rời làng nữa. Một năm sau đó, những gia đình khác từng được di tản cũng trở về bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. Với Triêm Tây, vậy là đất và người đã được giữ. Về Triêm Tây nếu không được nghe về câu chuyện “lạ” này thì chẳng ai nhận ra có những mét bờ đê bao quanh giữ từng tấc đất. Cây cối mọc dọc mép sông, những hồ bơi được xây dựng trên chính nơi từng có nguy cơ bị nước xói mòn.

Lang que Viet hoi sinh giua long xu Quang - Anh 2

Khung cảnh làng quê Việt với con đường đất, lũy tre xanh được gìn giữ tại Triêm Tây.

Với ông Quốc, người kiến trúc sư sau một đời miệt mài với các công trình trên thế giới, nay về với quê hương, ông tâm niệm: “Gữ được đất mới giữ được người và rồi làng sẽ hồi sinh. Nhiều người nói tôi “dại” khi ôm lấy một vùng đất sắp chìm, nhưng với tôi, dù nơi đó có những người nghèo, thậm chí rất nghèo nhưng họ có một cái vô giá. Đó là hạnh phúc và họ luôn hướng tới một tương lai tốt hơn - thứ tôi muốn gìn giữ cho Triêm Tây”.

Giữ làng, giữ hồn quê Việt bên sông

Xong tuyến bờ kè, ông Quốc bắt tay vào xây dựng khu du lịch sinh thái Triêm Tây, mà những người đồng hành không ai khác chính là người dân địa phương. Những căn nhà gỗ được dựng lên ngay trong không gian làng quê được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Con đường đất được giữ nguyên trạng, giếng nước, cổng làng vẫn còn như một thời ký ức. Cả một khu vực phủ bằng màu xanh của tre, chuối, cỏ lau. Ông Quốc tiếp tục duy trì cách làm hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để phát triển. Ông lý giải cho người làng về việc giữ lại từng lũy tre, bụi chuối. “Sẽ chẳng dễ dàng tìm kiếm được nơi nào như Triêm Tây, vậy nên tôi muốn gìn giữ cuộc sống vốn dĩ rất bình yên, rất hồn Việt nơi đây” - ông Quốc chia sẻ.

Làm bờ kè giữ đất, làm khu du lịch dựa vào làng quê Việt, thế nhưng điều ông Quốc tâm đắc hơn cả là nay người làng đã có thể sống nhờ vào chính vùng quê của mình. “Chúng tôi không phải là những người chuyên nghiệp, với dự án của mình, bằng việc bảo vệ được bản sắc văn hóa lâu đời, người dân nay có một nguồn thu nhập từ một mô hình du lịch “nông thôn”, tạo điều kiện để họ cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ sẽ không phải bỏ làng quê đi nơi khác để kiếm kế mưu sinh. Con cháu của họ có thể ở lại, phát triển trên chính quê hương”.

Rồi không chỉ có mỗi ông Quốc độc hành, năm 2015, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Triêm Tây được thành lập với sự tham gia của vài chục hộ gia đình. Tự nhận con số này còn chưa đáng kể, thế nhưng ông Nguyễn Yên - Giám đốc hợp tác xã - vẫn tự hào, bởi dân làng Triêm Tây nay đã có thể sống nhờ vào việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Từ chỗ bỏ dở nghề chiếu, đến nay làng đã dần khôi phục lại với sự tham gia của 10 hộ, trong đó một gia đình có truyền thống dệt chiếu chữ chỉ có ở Triêm Tây. Những vụ cói được trồng trở lại ở bãi bồi quanh làng.

Sau những công đoạn chẻ, phơi, nhuộm, dệt, những chiếc chiếu kỳ công đầy màu sắc với những chữ “Triêm Tây” hay “Trăm năm hạnh phúc”… được ra đời bởi bàn tay khéo léo của những người dân quê. “Nhiều du khách nay đã biết đến chiếu Triêm Tây. Chúng tôi chưa dám làm nhiều nhưng đặt bao nhiêu cũng cố gắng làm cho bằng được. Một vài du khách nước ngoài hay những nhà hàng, khách sạn cũng đã ngỏ lời đặt hàng những mẫu mã cách tân hơn, chúng tôi cũng thử nghiệm, để nếu làm được thì bà con sẽ mừng lắm” - ông Yên hồ hởi chia sẻ.

Không chỉ khôi phục các làng nghề truyền thống mà nay chính những người nông dân cũng tập tành làm ông chủ, bà chủ của những nhà hàng ven sông. Chị Than - một bà chủ nông dân - vừa mời chúng tôi ly nước trà, vừa kể: “Mấy cô cậu sinh viên thích chỗ tôi lắm. Họ nhìn cái gì cũng lạ, cũng thích. Bữa cơm cũng chỉ rau cá nhà nuôi trồng mà ai cũng khen ngon. Làng hôm nay không phải thấp thỏm vì con nước nữa mà còn đón khách đó đây. Nhiều niềm vui lắm”.

Làm một biết mười, những nhà hàng như chị Than dần được mở rộng, khang trang hơn với nhiều dịch vụ được mở thêm như cắm trại, chèo thuyền, đi đánh cá hay cưỡi trâu. Những cái tên “Me Xanh”, “Thủy Tạ” dần được nhiều người chia sẻ trên các diễn đàn du lịch. Họ cũng đã đón những chuyên gia đến từ các tổ chức phi chính phủ như UNESCO về chỉ dẫn cách làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, những người trẻ trong làng nay chẳng còn đi đâu xa mà có thể tìm việc ngay trên quê hương mình. “Nhiều cháu học tiếng Anh giỏi, xin được công việc ở khu du lịch. Với chúng tôi, vậy là động lực lắm rồi” - chị Khiêm cho hay.

Nói về dự định sắp tới, ông Yên cho biết dự án vườn rau sạch cộng đồng của làng đang được triển khai mà nếu đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều công việc cho bà con. Dự định nhiều là vậy, ông Yên chia sẻ: “Tất cả những gì đang làm, chúng tôi không phải chăm chăm phục vụ du lịch hay bất kỳ ai mà là lưu giữ cho chính con cháu Triêm Tây. Khó khăn lắm mới giữ được làng, cũng chẳng phải nơi nào cũng có được bản sắc văn hóa như mình nên chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn từng khung dệt thủ công, lũy tre đến hàng chè tàu”.
Dạo quanh làng Triêm Tây hôm nay, cuộc sống làng quê mà như ông Quốc nói chính là điều du khách muốn được nhìn thấy, được tận hưởng khi đến Việt Nam vẫn được gìn giữ dưới mỗi nếp nhà. Đó là những hình ảnh dân dã, giản dị đời thường, từ những người già trò chuyện trước hiên nhà, người dân ra đồng làm ruộng, những người phụ nữ chẻ cói bên sông hay những đứa trẻ tinh nghịch, cười đùa làm rộn ràng cả buổi trưa bên lũy tre. Và chính mỗi người dân nơi này đang giữ gìn từng chút hương vị quê hương trong mình.

Lang que Viet hoi sinh giua long xu Quang - Anh 3

Khung cảnh làng quê Việt với con đường đất, lũy tre xanh được gìn giữ tại Triêm Tây.

Nguồn tin: www.baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây