Đến chơi Hòn Kẽm Đá Dừng

Thứ sáu - 14/08/2015 21:47
"Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng.
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi".
Với người Quảng Nam, câu ca đã có từ rất lâu và ai cũng thuộc nằm lòng, như một sợi dây tình cảm nối liền miền đất tây Quế Sơn với biết bao người con quê hương xa xứ.
Đến chơi Hòn Kẽm Đá Dừng

Phương tiện di chuyển ở nơi thượng nguồn Thu Bồn hóa ra không khó kiếm bởi có đến hàng chục bến đò và hàng trăm đò dọc đò ngang, nằm yên bình dưới tán tre, ven bãi cát… Bến đò xuất phát tại cầu treo xã Quế Lâm.

Là địa danh nổi tiếng của huyện Nông Sơn (Quảng Nam) với phong cảnh dân dã, trữ tình... lên chơi Hòn Kẽm, Đá Dừng bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến không gian hùng vĩ nơi thượng nguồn dòng Thu Bồn, mà còn để trải nghiệm một cách chân thực hơn về sự thích nghi kỳ lạ của con người với thiên nhiên vừa tàn khốc, vừa ưu ái...

Nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng gần 100km về hướng những vách núi đá có độ cao hơn 500m và dòng sông hiền hòa, len lỏi từng vách đá đã tạo nên cảnh quang thơ mộng và trữ tình.

 

Thượng nguồn của dòng sông Thu Bồn-Quảng Nam

Nếu lựa chọn một cuộc đi như thế, du khách sẽ thường bắt đầu từ dưới chân núi Cà Tang vào khoảng 4-5 giờ chiều. Lúc ấy cả dòng sông đã dậy gió nồm nam, chân ngọn Cà Tang dần khuất vào bóng chiều, còn đỉnh thì rực ên trong nắng. Cuộc khởi hành bắt đầu trong nắng như thế và có cả gió nhẹ ở trên cao.

Nhưng chỉ một lát sau ngày và đêm đã bắt đầu giao thoa, các làng xóm ven sông hắt những bóng đen lên nền trời, du khách sẽ bắt đầu có cảm giác như đi lạc vào trong huyền thoại; huyền thoại của những đêm trăng “yên ba giang thượng” đầy những ấn tượng khó quên trong đời.

Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn chảy qua làng Trung Phước, trước khi đổ về xuôi, qua biết bao bờ dâu biếc, lúa xanh, dòng sông dịu dàng ôm lấy ngôi làng nhỏ Đại Bường với bốn mùa cây trái sum sê.

 

Cầu treo nối liền hai bờ sông.

Có nhiều cách đến Hòn Kẽm. Nếu đã đi thăm di tích Mỹ Sơn, có thể vượt đèo Phường Rạch khoảng 20 cây số qua Trung Phước. Hoặc từ quốc lộ 1A (thôn Hương An, xã Quế Phú, Quế Sơn), du khách theo đường bộ, lên dừng chân ở đèo Le thưởng thức món gà ta nổi tiếng, rồi lên Trung Phước, ngồi thuyền máy khoảng 2 giờ lên Hòn Kẽm, Đá Dừng. Có thể đi đường bộ lên thẳng bế đò Tí Bồi (xã Quế Lâm) rồi hẹn đò ở đó.

 

Lướt thuyền trên dòng sông thơ mộng êm ả.

Dọc đường Hòn Kẽm Ðá Dừng có những đụn cát dài và cao nằm dọc theo sông, thi thoảng ta thấy những triền dâu, những nương ngô, những xóm làng trung du yên tĩnh, những con đò, bến sông trầm mặc, mơ màng… thấp thoáng những mái tranh hỏ nép dưới vòm cong tre trúc; những tốp trẻ tắm sông cười ngơ ngác. Ai đó đang gánh nước về, bóng ngả dài ven sông…

Du khách sẽ đi qua miền quê với sông núi hùng vĩ, những bãi dâu, bãi bắp xanh tốt, những vạn đò mua bán tấp nập trên sông. Tận hưởng cái cảm giác yên bình mà không phải nơi nào cũng có, phong thuỷ hữu tình, con người hoà hợp với thiên nhiên.

 

Bắt cua, nghề mưu sinh của cư dân đôi bờ thượng nguồn

Dừng ở chợ Trung Phước, khách có thể qua sông ghé thăm Đại Bường-làng cây ăn quả nổi tiếng của Quảng Nam, nơi hội tụ những vị ngọt thanh khiết mà thiên nhiên ban tặng.

Về với Hòn Kẽm Đá Dừng, không chỉ về với danh lam thắng cảnh mà du khách còn nghe đâu đây ngân lên những câu thơ ngọt ngào cất lên từ bao thế hệ, là cả cuộc hành hương về với cõi lòng người dân xứ Quảng.

 

Mỗi người lái đò như bà cụ già này là một pho chuyện kể sinh động về đất và người vùng tây Quế Sơn


Trước khi xuống thuyền, du khách có thể mua bòng - thứ trái cây bản địa to, ngon có hương vị đặt trưng không thua bưởi ở miền Nam, được trẻ em bán với giá rẻ như cho

Gần một ngày lênh đênh trên thuyền, làm khách của Hòn Kẽm im lặng ngàn năm, với sông nước phía đầu nguồn Thu Bồn bình yên sẽ là một chuyến đi chơi thú vị. Nhưng cũng nên biết rằng, nơi đó con người đã dũng cảm biết bao khi chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt vào mùa lũ. Những ngấn nước lưu lại dấu trên vách núi cao nói với chúng ta điều đó…

DOÃN HOÀNG

Nguồn tin: www.tuoitrequangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây