Ra khơi cùng ngư dân

Thứ năm - 30/06/2016 22:21
Trải nghiệm cuộc sống trên biển với ngư dân là niềm mơ ước từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông nhưng mới đây tôi mới thực hiện được. Để có chuyến đi này, trước hết xin cám ơn chủ tàu cùng anh em thuyền viên tàu QNa-91188.
Ra khơi cùng ngư dân

Niềm vui của ngư dân

Tàu cá QNa-91188 có công suất 120CV do anh Nguyễn Thế Thuẩn làm chủ, anh Nguyễn Văn Thịnh lái chính. Trên tàu có cả thảy 6 người đều ở thôn Hà Quang, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành). Đúng 13 giờ 30, tàu xuất bến tại cảng cá Kỳ Hà (Núi Thành). Hơn 3 giờ đồng hồ vượt sóng, con tàu thả neo ở vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đúng 18 giờ, hơn 20 bóng đèn có công suất 1.000W/bóng được bật sáng, máy định vị, máy tầm ngư và máy bộ đàm bắt đầu hoạt động, sẵn sàng phục vụ cho công việc đánh bắt. Trong khi mọi người chuẩn bị ngư lưới cụ và các vật dụng cần thiết khác, anh Nguyễn Văn Tính - thuyền viên trẻ nhất trong số người đi bạn đã lo xong bữa cơm tối. Càng về đêm gió càng mạnh, con tàu lắc lư. Do không quen nên khó khăn lắm tôi mới đưa được miếng cơm vào miệng, ngược lại các thuyền viên thì vô tư ăn uống và nói chuyện rất xôm tụ như ở nhà.

Tập trung kéo lưới.
Tập trung kéo lưới.

Cơm nước xong nhưng máy tầm ngư chưa xác định được luồng đi của các loại hải sản, các thuyền viên tranh thủ ra phía sau đuôi tàu để câu mực ống. Rất thích thú khi nhìn thấy các anh liên tục giật lên những con mực óng ánh sao đêm bằng những cái lưỡi câu chùm mà mồi câu là mảnh giấy kim tuyến quấn trên phần chuôi của lưỡi câu. Thay phiên nhau giật, chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ các anh đã câu được gần 2kg mực. Trong khi mọi người đang say sưa câu thì giọng nói của anh Nguyễn Văn Thịnh rất lớn phát ra từ phía buồng lái: “Tất cả mọi người vào vị trí để làm nhiệm vụ”. Nghe vậy, mọi người lập tức bỏ cần câu xuống sàn tàu vào vị trí đã được phân công trước. Hơn 21 giờ, giàn mành đầu tiên được chụp xuống sâu trong nước biển mang theo biết bao niềm vui và hy vọng của các thuyền viên. Hơn 20 phút sau lưới được kéo lên với hàng chục ký cá, mực các loại được đổ trên sàn tàu, mọi người nhanh tay đổ vào ki nhựa để phân ra từng loại khác nhau, rồi tiếp tục cho giàn mành thứ hai chụp xuống biển theo hiệu lệnh của lái tàu. Cứ như thế, đến 4 giờ sáng hôm sau, tàu QNa-91188 đã chụp được cả thảy 9 lần, đánh bắt được hàng trăm ký cá, mực các loại, ước tính thu nhập hơn 10 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Thuần - chủ tàu QNa-91188 chia sẻ: “Công việc đánh bắt cũng không chừng, có chuyến thu được hơn 30 triệu đồng nhưng có chuyến chỉ được hơn chục triệu đồng như chuyến này đây chẳng hạn. Nghề mành chụp thường là đánh bắt ở ngư trường có độ sâu hơn 40m, chi phí cho mỗi chuyến đi biển chỉ hơn 3 triệu đồng. Khoản chi phí ít nên thu nhập của thuyền viên có phần cao hơn, đời sống anh em được cải thiện”. Xã Tam Tiến hiện có 22 tàu cá hành nghề mành chụp, cho thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/người/năm. Đây là nguồn thu rất lớn góp phần làm thay đổi cuộc sống của đại bộ phận ngư dân.

Gắn kết cộng đồng

Ngoài những chiếc tàu mành chụp, trước đây trên địa bàn xã Tam Tiến có hàng chục tàu mành mùng với công suất hơn 100CV. Tuy nhiên, mức thu nhập của những người làm mành mùng không cao bằng mành chụp nên dần dần một số tàu chuyển sang đánh bắt bằng mành chụp. Anh Nguyễn Văn Tính - thuyền viên tàu QNa-91188 cho biết, hai năm trước đây anh đi bạn cho một chiếc tàu mành mùng. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đủ trang trải cho gia đình nên anh xin chuyển qua đi bạn cho tàu QNa-91188. Hai năm qua anh đã đem hết sức mình cùng thuyền viên của tàu đánh bắt đạt hiệu quả, không chỉ góp phần cùng ngư dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi hải sản, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Làm nghề mành chụp chỉ ra khơi vào những đêm tối trời, còn sáng trăng thì nghỉ. Dù ra khơi hoặc những ngày nghỉ anh em đều đoàn kết, tập trung vá lưới, tu sửa ngư cụ, máy móc thiết bị để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp, mỗi người một việc.

Bữa cơm tối đạm bạc của các thuyền viên.Ảnh: N.Đ.NGỌC
Bữa cơm tối đạm bạc của các thuyền viên.Ảnh: N.Đ.NGỌC

Trên biển mênh mông sóng nước, chiếc máy bộ đàm là một trong những phương tiện đắc lực nhất của ngư dân. Không chỉ kịp thời thông tin với nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn hoặc rủi ro trên biển để tàu bạn đến cứu giúp mà còn là phương tiện thông tin cho nhau về ngư trường đánh bắt. Nếu ở ngư trường mà tàu nào đó đang thả neo nguồn hải sản ít hoặc không có thì sử dụng bộ đàm để nhờ trợ giúp, các tàu khác sẵn sàng cung cấp vị trí ngư trường có nguồn hải sản nhiều hơn. Nhờ vậy mà sau mỗi chuyến ra khơi hầu như không có tàu nào bị “tay trắng”. Lái tàu Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Trước đây, ông cha ta đi đánh bắt hải sản chỉ biết nhìn sao để định vị ngư trường nhưng thật ra là may rủi, được chăng hay chớ; nhiều khi thuyền bị nạn trên biển không ai cứu giúp. Còn ngày nay, không chỉ trang bị bộ đàm, mỗi tàu còn trang bị máy định vị, máy tầm ngư và các thiết bị cần thiết khác. Đặc biệt, sự gắn kết trong cộng đồng ngày càng được phát huy nên mọi người rất yên tâm đánh bắt. Ngoài ra, máy bộ đàm cũng là phương tiện để mọi người giao lưu văn nghệ sau mỗi chuyến ra khơi. Các anh hát cho nhau nghe có thể là những bài tân nhạc hoặc tân cổ giao duyên tập trung vào chủ đề biển, tình yêu quê hương, đất nước. Trên đường đi vào đất liền chiếc máy bộ đàm của tàu QNa-91188 liên tục phát ra những bài hát thật da diết và tình cảm, nhưng ấn tượng nhất là giọng hát rất khỏe của anh Phan Kim Nhật ở tàu QNa-91315 với ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của tác giả Huỳnh Phước Long. “…Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Con tàu vượt qua những con sóng bạc đầu, giọng hát của anh đôi khi lạc vào hư không thật xa, có lúc thật gần…

Phân loại hải sản trước khi vào bờ để bán.
Phân loại hải sản trước khi vào bờ để bán.

Nghề biển trong những năm gần đây thật sự phát triển, có không ít người đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu mới có công suất lớn hơn hoặc đóng tàu vỏ thép. Đồng thời đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản có chất lượng, thu nhập cao. Đặc biệt, đánh bắt trên biển bây giờ độ an toàn rất cao, không còn chuyện “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây