Ông lão bán kem và món quà của ký ức

Thứ bảy - 23/09/2017 03:05
Lâu lắm rồi không còn thấy người bán kem rong lang thang trên phố với cái kèn bóp toe toe, hay chiếc chuông nhỏ kêu leng keng trên chiếc xe đạp và chiếc thùng kem phía sau nữa...

...Chợt một trưa hè trên phố thị, người bán kem que xuất hiện khiến bao ký ức ngày xưa ùa về.

Ông lão bán kem rong

Trưa, khi cái nắng gay gắt của miền Trung đổ lửa xuống phố phường Tam Kỳ (Quảng Nam), người người tìm chỗ tránh nóng, nhưng ông lão bán kem vẫn leng keng chiếc chuông nhỏ, cùng những vòng xe đạp chậm rãi đi từng hẻm phố để bán kem. Không một tiếng rao, nhưng người ta vẫn đổ ra mua kem với tất cả sự háo hức. Ông lão đã 65 tuổi, hơn 35 năm bán kem như thế. Ông là Lê Văn Tấn, quê gốc Hội An nhưng rong ruổi với cái nghề bán kem rong này nên đã rời quê đi từ lâu lắm. Trưa, trời nắng nóng nhưng ông vẫn rong ruổi trên những con đường để bán kem.

Ong lao ban kem va mon qua cua ky uc

Ông lão bán kem Lê Văn Tấn và món quà của ký ức.

Tôi chẳng biết thời bây giờ, khi mà cửa hàng cửa hiệu với máy lạnh mọc lên vô số, và cũng vô số những hàng kem với đủ loại mùi vị, đủ loại giá tiền như thế ông còn đi bán kem làm gì. Ông thì cười hềnh hệch một cách sảng khoái khi tôi hỏi như thế, rồi thật thà: “Nói thiệt bán kem như ri có lời lãi chi mô. Nhưng chừ không đi bán thì cũng buồn. Ngày bán được 2 chục ngàn cả vốn lẫn lời thôi, nhưng đi cho đỡ buồn chân buồn tay. Mỗi lần thấy lũ trẻ háo hức vây quanh thùng kem, lại nhớ tới hồi xưa đi bán kem như vầy. Vui lắm!”.  Hóa ra ông bán kem chẳng phải vì tiền, chẳng phải mưu sinh. Chỉ bởi vì niềm vui của mọi người.

Tôi hỏi ông còn bao nhiêu người bán kem như ông ở xứ này. Ông lắc đầu quả quyết: “Chừ chỉ còn mình tui thôi chớ mấy! Ai mà thèm đi làm cái nghề nắng rát mưa buồn mà lời lãi chẳng được bao nhiêu như ri nữa!”. Ông bảo, có lẽ cả nước mình giờ chỉ còn một vài người như ông thôi. Mà chắc cũng chỉ là những người già, vì muốn giữ cái nghề này nên mới làm. Nếu ai còn sức có lẽ đã đi làm nghề khác cả. cái nghề bán kem phơi nắng dầm mưa thế này, ai mà trụ nổi.

Ông Tấn nói thế, còn tôi lại nhớ về những ngày xưa cách đây đôi ba chục năm khi tôi còn bé, mỗi khi nghe tiếng bóp còi toe toe của chiếc xe đạp bán kem que là lại hớt hải chạy ra. Kem thời đó chỉ làm bằng bột, đường và nước đá, vậy mà đứa trẻ nào cũng thích. Thủa ấy đứa trẻ nào cũng biết đến cái từ “đổi kem”, đổi từ đồng nát, sắt vụn, phế liệu đến cả su hào, bắp cải hay thóc cũng đều được. Nếu ai từng được nghe thấy cái âm thanh dễ thương này thì chắc chắn cũng không thể quên được hình ảnh người bán kem miệt mài đạp xe, đằng sau chở theo một thùng kem được làm bằng gỗ bọc bao tải, kèm theo 2 bên sườn xe là những mảnh sắt vụn, đồng nát, những túi đựng lông ngan, lông vịt, chai bia, nhựa...

Ong lao ban kem va mon qua cua ky uc

Kem thủa ấy chỉ 50 đồng một que, rồi 100, 200 đồng. Đến thời điểm đó đã thấy ít người bán kem que lắm rồi. Và cho đến khi một que kem có giá 500 đồng thì những người bán kem que dường như biến mất hẳn. Kem hồi ấy chỉ là kem đá pha nước đường, vậy mà chẳng hiểu sao lũ trẻ chúng tôi lại ăn thật ngon, như được làm từ tất cả ngọt ngào của tuổi thơ vậy. Có những lúc không có có tiền, nhưng nghe tiếng kèn là chúng tôi lại chạy ra, nhưng chỉ đứng đó chờ người bán kem lướt qua rồi lại lủi vào nhà mà thèm thuồng tiếc 
 

Tiếng leng keng ký ức

Ông lão bán kem bảo gần 40 năm bán kem rong như thế này, không con đường làng, không ngõ nhỏ nào ở xứ Quảng này mà ông chưa đi qua để rao bán kem que. Mỗi lần đi như thế cho ông một bài học, một kinh nghiệm sống và những trải nghiệm khác biệt nhau giúp ông trưởng thành hơn. Ông bảo cũng có những lúc khó khăn muốn bỏ cuộc, nhưng ông nghĩ lại cuộc đời phải sống sao cho có ý nghĩa, còn sức còn phải làm để tự nuôi mình chứ không thể ngửa tay cầu cứu sự bố thí, thương hại của thiên hạ. Chính vì thế ông cứ mãi gắn với nghề bán kem này cho đến tận bây giờ.

Thấy tôi ngẩn người, ông lão bán kem cười: “Lại nhớ về tuổi thơ hả! Thú thật bây giờ tui bán kem không phải cho lũ nhỏ đâu. Chủ yếu bán cho người lớn thôi. Người lớn là những người đã trải qua một thời kỳ khó khăn của cuộc sống, họ mới biết giá trị tinh thần của những que kem như thế này. Tôi bán kem cho ký ức mà…!” ông lão nói đúng. Bởi đã lâu lắm rồi tôi không nhớ được đâu là lần cuối nghe thấy tiếng leng keng của xe kem que mình từng mong ngóng suốt thời ấu thơ ấy nữa. Ông bảo ông bán kem cho ký ức thôi. Bởi lũ trẻ bây giờ có một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi hơn trước nhiều lắm. Kem que, kem hộp, kem ly,… muốn ăn vị nào cũng có. Còn với những người lớn hơn, thì dù có ăn nhiều loại kem đến mấy, cũng không tìm lại được cái vị man mát, thanh thanh, ngòn ngọt của kem que xe đạp ngày trước.

Ong lao ban kem va mon qua cua ky uc

Tôi đứng giữa trưa nắng, ăn một que kem rong bán từ chiếc xe đạp nghèo nàn của ông lão mà nghe mằn mặn, thấy buồn buồn đôi chút vì biết chắc rằng hàng kem rong cùng với cái thứ âm thanh đặc biệt mà một thời đã làm nên ký ức ấy sớm hay muộn cũng sẽ biến mất cùng với sự đi lên của xã hội. Nhưng tôi cũng chắc một điều rằng hình ảnh về nó mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo như tôi. Cũng giống như thơ ấu đã trôi qua rồi, giờ chỉ có thể nhớ lại qua hồi ức mà thôi…

Nguồn tin: Tiêu Dao/ Phụ Nữ new

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây