Làng Quảng Lộc Đại nói giọng Sài Gòn

Thứ sáu - 01/07/2016 20:02
Hiện tượng người dân làng Lộc Đại (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) nói giọng Sài Gòn, vẫn tiếp tục thu hút mối quan tâm của giới nghiên cứu ngôn ngữ học.
images1275146 anh lot vu cong dien
images1275146 anh lot vu cong dien

Cũng như bao làng Quảng khác, làng Lộc Đại cũng trải bao biến thiên lịch sử, bể dâu. Nay, Lộc Đại là một trong 5 thôn thuộc xã Quế Hiệp (gồm Nghi Thượng, Nghi Trung, Nghi Hạ, Nghi Sơn, Lộc Đại). Nhắc tới Lộc Đại, người già trong làng thường kể về một thung lũng hoang vu, nơi rừng thiêng nước độc, cây cối rậm rạp, hố đá gập ghềnh, nơi đây muông thú quần tụ. Chiến tranh tàn khốc, những ngôi làng của Quế Hiệp có thời điểm “trắng dân”. Cư dân các làng chạy giặc, phiêu bạt khắp nơi, sau giải phóng mới hồi hương làm ăn, sinh sống. Nhiều người rất ngạc nhiên khi dừng chân mảnh đất sơn thủy hữu tình nơi miền tây Quế Sơn này. Ngôi làng nhỏ với 350 hộ dân nằm lọt thỏm giữa thung lũng, đón gió ngàn. Con suối Tiên nơi ngọn Hòn Tàu sừng sững róc rách trong vắt đưa nước về xuôi. Ngoài sức hút từ cảnh sắc, giọng nói trong trẻo, thanh thoát không lẫn vào đâu giữa các làng quê xứ Quảng của cô thiếu nữ Lộc Đại khi chỉ đường, khiến nhiều người tò mò.

Làng nói giọng Sài Gòn

Tìm hiểu về chất giọng đặc biệt mang âm hưởng miền Nam ở Lộc Đại, chúng tôi được chị Trần Thị Thủy, một người dân thôn Lộc Đại chánh gốc giải thích: “Tôi nào sống ở miền Nam, cả đời cha sinh mẹ đẻ sống ở nơi này. Ở đây, người già tới trẻ con đều nói vậy. Có lẽ do uống nước đầu nguồn”. Cũng theo chị Thủy, tuy cùng một xã nhưng cư dân Lộc Đại thì nói tiếng miền Nam “chuẩn”, trong khi các thôn lân cận chỉ cách một cánh đồng tiếng nói có phần biến đổi, càng xa thì tiếng nói càng nặng dần, mang đậm âm sắc Quảng.

Ông Nguyễn Xuân Hồng (72 tuổi), một trong những bậc cao niên sống tại đây cho biết: Hồi trước, Lộc Đại hoang vu lắm, còn gọi là Khe nứa xứ (khe có nước chảy qua, trên bờ toàn cây nứa, cỏ dại mọc um tùm). Có lẽ vì ít có sự giao thoa với các vùng miền khác nên cư dân trong vùng cơ bản giữ được âm sắc trong giọng nói của mình mà không lai tạp. Cũng theo ông Hồng, trong 5 thôn của Quế Hiệp, trong khi Nghi Trung, Nghi Hạ nói theo kiểu xứ Quảng: răng, rứa….; Nghi Sơn nói có phần nhẹ hơn, Nghi Thượng vẫn có những từ mô, tê… thì Lộc Đại “rặt” Sài Gòn. Có thể bắt gặp những câu nói của người Lộc Đại nghe rất nhẹ nhàng, dễ thương như: “Anh làm gì đó/ Anh đi đâu vậy” (trong khi người xứ Quảng nói: “Anh đi mô rứa”; người làng nói “cái ao” thay vì “cái ô”, “chu đáo”, thay vì “chu đố” như cư dân xứ Quảng vẫn sử dụng thường ngày.

Tìm hiểu sử làng, được biết, phần lớn cư dân Lộc Đại có nguồn gốc từ làng Ức Trai, huyện Đông Thành, phủ Thừa Tuyên. Thôn Nghi Trung, Nghi Hạ, Nghi Thượng, Nghi Sơn có nguồn gốc từ làng Nghi Xuân, huyện Lệ Dương, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Nghệ An. Một số tộc phái khác trong làng lại có nguồn gốc Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Hữu Vàng (hơn 60 tuổi), người làng Lộc Đại giải thích: “Tộc Nguyễn Hữu của tôi theo sử sách lưu truyền có 3 ông từ Nghệ An vào đây lập nghiệp. Nhưng điều lạ là nhiều làng xứ Quảng nói giọng rặt Quảng thì làng của tôi lại nói giọng… Sài Gòn. Dân làng tôi dù có đi đâu cũng không phai lạt được”. Về điểm này, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp thông tin: Các tộc Trần Văn, Nguyễn Đắc, Nguyễn Mậu, tộc Lê… vốn là những tộc lớn của làng. Qua tìm hiểu, khảo sát khi các tộc trong làng xây dựng tộc ước, tộc họ văn hóa, được biết ông tổ của các tộc phần lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào. “Cho tới nay, vẫn chưa có một tài liệu nào đề cập sự di cư của một cộng đồng ở miền Nam tới khu vực này. Còn nếu cho rằng tiếng nói đặc trưng này do con em trong làng đi miền Nam sinh sống, làm ăn có được cũng không đúng, bởi lẽ không chỉ riêng làng Lộc Đại có con em đi làm ăn ở miền Nam mà các làng khác cũng vậy, nhưng không có hiện tượng này như Lộc Đại. Còn nếu nói tới yếu tố biệt lập thì không phải Lộc Đại, mà chính Nghi Sơn mới là làng biệt lập, bị bao bọc bởi núi, nhưng làng Nghi Sơn không nói giọng miền Nam” - ông Hà chia sẻ.

“Đảo thổ ngữ” hay “vùng lõm ngôn ngữ”

Theo TS. Lê Văn Trường (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), đây là hiện tượng “đảo thổ ngữ”, tức sự cô lập ngôn ngữ với vùng xung quanh. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên do di dân. Quảng Nam là vùng đất, là kết quả của những cuộc đại di dân. Có thể thấy yếu tố “mi, tau” rất đặc trưng của Thanh Hóa ở Quảng Nam, nhưng khi vào đến Quảng Ngãi, Bình Định thì mất hết. Có thể nơi đây là địa bàn thuận lợi để một đợt di dân nào đó diễn ra, do biến động lịch sử, từ phương nam. Những người con của vùng đất ấy, dù sinh sống ở đất mới, nhưng âm sắc của tiếng mẹ đẻ sâu xa vẫn ăn sâu trong tiềm thức, như đã thành nếp, khó thay đổi. Cứ vậy, thế hệ này sang thế hệ khác, trẻ con sinh ra 3 - 5 tuổi, về mặt hình thành ngữ âm đã có thể tiếp thu tốt âm sắc tiếng mẹ đẻ rồi. Chính vùng này nằm ở địa thế khá cách biệt với các địa phương khác, ít có sự giao thoa về mặt ngôn ngữ, nên âm sắc đó không bị mai một.

Làng quê Nông Sơn. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Làng quê Nông Sơn. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

PGS-TS. Phạm Văn Hảo cũng đồng quan điểm với TS. Lê Văn Trường khi đề cập yếu tố di dân, một trong những cơ sở để lý giải về hiện tượng lạ ở Lộc Đại, cũng như Mỹ Lợi (Huế) hay làng Cảnh Dương ở Quảng Bình… “Chắc chắn là có một vùng phía trong, không phải là vùng bình thường mà phải là vùng trung tâm lớn, là sản phẩm của một đợt đại di cư của lịch sử. Phải nhiều chứ không ít, có thể là cả một làng, nếu ít thì tới đây sẽ bị hòa tan ngay. Cộng đồng di cư này đã tới nơi đây lập tân ấp. Đã xảy ra cuộc đại tiếp xúc, cũng như đợt đại tiếp xúc giữa Chăm - Việt, và người Việt thắng bởi dân số đông. Ở đây, làng này cũng tương tự” – PGS-TS. Phạm Văn Hảo nói.

Lý giải sự “lạ” về ngôn ngữ của vùng Lộc Đại, hai nhà ngôn ngữ học trên còn nêu ra một hướng tiếp cận khác là do yếu tố “vùng lõm ngôn ngữ”. Điều này đã được GS. ngôn ngữ học Vương Hữu Lễ, người mà cách đây 24 năm từng nghiên cứu về hiện tượng ở Mỹ Lợi, Lộc Đại… cũng đã nói đến. Với hướng này, có thể xếp những vùng nêu trên là “vùng lõm ngôn ngữ”. Theo cách lý giải của hai nhà khoa học, phân chia ngôn ngữ theo lát cắt ngang lẫn lát cắt dọc. Lát cắt ngang (theo địa dư hành chính, bắt đầu từ đèo Hải Vân tới Dốc Sỏi, cơ bản nói tiếng Quảng, dù có biến một chút ở Đại Lộc, Tiên Phước, Tam Kỳ, một chút ở Núi Thành, nhưng cơ bản là tiếng Quảng. Còn với lát cắt dọc, sẽ xuất hiện những “vùng lõm ngôn ngữ”, có lẽ Lộc Đại (Quế Hiệp), Mỹ Lợi (Huế), Cảnh Dương (Quảng Bình)…  sẽ rơi vào “vùng lõm” này. PGS-TS. Phạm Văn Hảo chia sẻ thêm, lấy ranh giới từ đèo Hải Vân để phân biệt sự khác nhau về phương ngữ nam - bắc. Dải đất từ đèo Hải Vân trở ra tới Thanh Hóa có xu hướng ngả bắc, còn bản thân dải đất từ đèo Hải Vân vào tới Bình Thuận đã có xu hướng ngả nam.

HOÀNG LIÊN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây