Hương thị

Thứ hai - 05/09/2016 04:02
Tôi trở về quê vào một ngày nắng thu ươm vàng rắc đầy ngõ. Bầy sẻ lích chích trên tàu cau. Tạt qua bên hông nhà, nơi khu chợ cóc đang tụ họp, mua ít quà cho gia đình. Chợ quê hiền hòa yên bình như thuở xưa. Chỗ kia là dăm ba mớ rau muống, mồng tơi, rau dền, rau đay… bày biện ngăn nắp.
images1291940 B  T I    nh V  C NG  I N
images1291940 B T I nh V C NG I N

 Chỗ khác thì trưng đầy các loại quả ngọt thơm. Tôi để ý tới một rổ quả vàng rực, tròn lẳn nằm trong chiếc rổ tre của một cụ già. Càng đến gần hương thơm càng lan tỏa, đánh thức khứu giác của tôi gợi nhớ về xa xưa. Hương thị! Phải rồi chính là hương thị.

Ngày trước ở quê tôi trồng rất nhiều cây thị. Nhà tôi không ngoại lệ, cây thị hiện diện bên hông nhà như một niềm tự hào của chị em tôi ngày ấy. Tuổi thơ chẳng thể nào quên được, vào mỗi dịp hè, khi hoa thị bắt đầu chi chít nở những bông trắng xóa. Mỗi đợt gió thổi, hoa rụng thành từng vạt xuống nền đất. Hai chị em lấy kim chỉ của mẹ và ngồi tỉ mẩn xâu thành những chuỗi dài đeo vào cổ, rồi í ới gọi lũ bạn sang chơi trò cô dâu chú rể. Vòng hoa đội lên đầu làm vương miện, “cô dâu” e lệ bước bên “chú rể”, miệng cười ngoác vì thích thú.

Bà tôi. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Bà tôi. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Khi bắt đầu lấp ló những đèn xanh đèn vàng, mọi người thường tụ tập dưới tán thị. Trẻ con lẫn người lớn ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời. Một trong những câu chuyện mà từ năm này qua năm khác người kể vẫn chưa xong và người nghe thì nghe… không biết chán. Đó là chuyện về những hồn ma lảng vảng bên cây thị. Người này thêm thắt một chút, người kia bổ sung “gia vị” một tí câu chuyện trở nên li kỳ hơn bao giờ hết. Mặc dù rất sợ… ma nhưng tụi trẻ con lại thích hóng hớt những câu chuyện như vậy. Đôi khi cuộc sống cũng trở nên thú vị hơn bởi những câu chuyện vô thưởng vô phạt mà.

Thị chín, nội tôi dùng vợt khều quả vào sọt rồi mang chợ bán thắp hương ngày rằm, mồng một. Mỗi lần nội khều chị em tôi lại nghểnh cổ lên vòm lá xanh men theo chiếc vợt nhìn từng quả thị rơi tuột vào giỏ một cách thèm thuồng, rồi lại cười giòn tan mỗi khi thị không nằm trong giỏ mà lại rơi bộp vào đầu hai chị em. Một thúng thị nhiều là vậy nhưng số tiền thu về chẳng được là bao. Thế nhưng, mỗi phiên chợ về nội đều có quà cho cả hai anh em. Lúc là chiếc kẹo bột, khi thì kẹo chanh giòn tan.

Chơi dưới đất chán hai chị em trèo lên cái chạng to nhất của cây thị mà vắt vẻo nằm, không quên niệm câu thần chú trong truyện Tấm Cám: “Thị ơi, thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Nội đi ngang, lắc đầu cười. Hai chị em lại cười khanh khách. Ba tôi không muốn có cây thị trong vườn. Ba bảo, nó thơm thật nhưng thu hút nhiều côn trùng, muỗi bọ. Mỗi lần thấy tay chân ai nổi hạt mẩn đỏ là ba lại xin nội đốn thị. Nội chẳng nói, chẳng rằng. Mẹ hiểu nội, thuyết phục ba không đả động tới chuyện đốn thị nữa. Từ độ đó, nội vui lắm.

Cứ thế tuổi thơ hai anh em tôi yên bình lớn lên bên nội, bên cây thị. Ngày nội tôi lâm bệnh nặng, nội gọi con cháu lại gần và dặn dò. Thật bất ngờ khi hai chị em tôi tới, nội dúi vào tay một túi vải. Nội bảo đấy là số tiền nội dành dụm được trong các mùa bán thị. Nội muốn chúng tôi lớn lên, sống thật có ích với số tiền của nội. Trút hơi thở cuối cùng, nội rằng, mỗi lần giỗ nội hãy đặt lên bàn thờ một vài trái thị.

Tiễn nội đi, phía sau vườn hương thị cứ thoảng đưa, thoảng đưa…

CAO VĂN QUYỀN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây