Hàng ngàn người xúc động trước vị chưởng môn võ công thâm hậu khóc con đến mù mắt

Chủ nhật - 03/07/2016 23:14
Hồ Tấn võ phái nổi tiếng xứ Quảng hơn trăm năm nay bởi những bài quyền tinh hoa và những vị chưởng môn vẹn đức vẹn tài. Đặc biệt, câu chuyện chưởng môn Hồ Ngọc Doãn khóc con đến mù mắt đã trở thành giai thoại rung động hàng ngàn người. Không những thế, hiện giờ, vị chưởng môn mù này vẫn ngày đêm chữa bệnh từ thiện cứu người.
Hàng ngàn người xúc động trước vị chưởng môn võ công thâm hậu khóc con đến mù mắt
Tinh hoa võ đường Hồ Tấn

Võ đường Hồ Tấn nằm bên dòng sông Bàn Thạch, một nhánh của sông Thu Bồn hiền hòa, thuộc phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). Hiện võ đường này do chưởng môn Hồ Ngọc Doãn (75 tuổi) cai quản. Điều đặc biệt so với các võ đường khác, vị chưởng môn này lớn tuổi, bị mù hai mắt nhưng vẫn minh mẫn, say mê võ thuật.

Theo lời kể của chưởng môn Hồ Ngọc Doãn, võ đường này do ông nội của ông là Hồ Lan Đình (1884-1932, còn gọi là Chánh Lơn) sáng lập vào năm 1914 tại phủ Hà Đông (bây giờ là TP.Tam Kỳ). Vốn ham mê võ thuật từ nhỏ, năm 15 tuổi, Hồ Lan Đình mang tay nải phiêu bạt khắp 3 xứ kinh kỳ và sang cả Trung Quốc để học hỏi những tinh hoa của võ thuật.

Hang ngan nguoi xuc dong truoc vi chuong mon vo cong tham hau khoc con den mu mat - Anh 2

Ông Hồ Lan Đình, người sáng lập võ phái Hồ Tấn.

Năm 30 tuổi, ngài trở về quê nhà và xây dựng võ đường Hồ Tấn. Những bài võ của Hồ Tấn phái nức tiếng khắp thiên hạ và Hồ Lan Đình được triều Nguyễn mời ra làm quan trị nạn thổ phỉ hoành hành. Năm 1916, với võ nghệ của mình, Hồ Lan Đình đã đánh tan tác một đội quân phản nghịch, được vua Khải Định ân thưởng, phong chức chánh tổng. Từ đó, ngài được mọi người gọi là Chánh Lơn.

Sau một thời gian, ngán cảnh quan trường gò bó, ngài Chánh Lơn cáo quan về quê để chuyên tâm phát triển võ đường, hành hiệp trong dân gian. Càng lúc, các bài võ Hồ Tấn càng trở nên lừng lẫy giữa các sới võ trên địa bàn với bách chiến bách thắng. Không những thế, từ năm 1917 đến 1921, ngài Chánh Lơn cùng với võ đường của mình đã tổ chức nhiều cuộc biểu diễn võ thuật quyên góp rất nhiều tiền bạc để cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt nên tiếng thơm vang khắp nơi.

Theo các võ sư tên tuổi, những bài võ Hồ Tấn có giá trị rất cao bởi tập hợp được nhiều chiêu thức, đòn thế rất phong phú, chặt chẽ, có tính khoa học cao. Mỗi chiêu thức, mỗi đòn thế ấy được cấu tạo bởi thân pháp, bộ pháp, thủ pháp, cước pháp rất hiểm hóc, tinh vi, dễ đánh trúng vào yếu huyệt của đối phương.

Những bài võ lại được mô tả bằng một bài thiệu dưới hình thức các thể thơ bằng chữ Nôm và chữ Hán. Mỗi câu thơ, mỗi từ vựng diễn tả chính xác các chiêu thức, đòn thế trong bài võ giúp cho người học dễ nhớ, khó quên. Đặc biệt, tập cho người học có tính kiên trì, dạn dĩ, chịu khó trong mọi tình huống và luôn giữ trong người trái tim lạnh như điều mà các cổ nhân đã dạy “dĩ công vi thủ, dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường”.

Võ đường Hồ Tấn nổi tiếng bởi 18 bài quyền được coi là tài sản vô giá, trong đó có bài Ngũ hổ quyền, là một trong những bài quyền mà các môn sinh ham học nhất. Bài ngũ hổ quyền được tả về 5 con hổ: Hắc hổ, Thanh hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ, trong đó được phân đoạn theo từng câu thiệu: “Thần hổ ly sơn đảnh/ Bài nha trục bách chiên/ Bộ can tinh đạp đẩu/ Trưng nhãn thủ ma quyền…”. Lúc oai phong lẫm liệt, lúc dũng mãnh, lúc tức giận, lúc thong dong vui đùa của con hổ được người học thể hiện qua từng động tác, từng đòn thế, chiêu thức trùng khớp với lời của từng câu thiệu làm cho bài quyền dễ đi vào lòng người. Chính những ưu điểm này mà Hồ Tấn đường luôn được các môn sinh tìm đến bái sư.

Mặc dù mong võ phái phát triển khắp nơi nhưng ngài Chánh Lơn lại không muốn truyền dạy võ cho con trai là Hồ Tấn Ba (1914-1989), bởi tính Tấn Ba rất nóng nảy, dễ sinh ra hậu họa. Tuy nhiên, thừa hưởng đam mê và năng khiếu từ cha, Tấn Ba đã đứng nấp sau tấm vách học lén các bài quyền mà cha dạy cho các môn sinh. Cứ như vậy, đến khi ngài Chánh Lơn phát hiện thì Tấn Ba đã tinh thông võ nghệ.

Năm ấy, có một võ sĩ người Nhật Bản đến Quảng Nam dựng đài thách đấu. Tất cả võ sĩ giỏi trong vùng thượng đài đều không thắng được võ sĩ Nhật Bản. Tấn Ba đứng dưới xem từ đầu, thấy vậy liền xuất chiêu và hạ được võ sĩ ngoại quốc. Kể từ đó, ngài Chánh Lơn mới chính thức truyền thụ cho con những tinh hoa của Hồ Tấn võ để người con trai trở thành võ sư danh tiếng, kế nghiệp chức chưởng môn Hồ Tấn.

Được cha tin tưởng, Tấn Ba ngày đêm bồi đắp võ thuật, đạo đức và được người cùng thời đánh giá là “văn võ song toàn”. Những năm sau đó, ông đã theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng. Năm 1945, vị chưởng môn này đã cùng các môn sinh của mình tham gia cướp chính quyền ở phủ Tam Kỳ, cùng với lực lượng vệ quốc quân bắt sống Tỉnh trưởng Quảng Nam Hồ Ngận.

Sau đó, lo sợ bị thực dân truy lùng, thanh trừng, ảnh hưởng đến võ môn nên Tấn Ba đã truyền lại chức chưởng môn cho con trai mình là Hồ Ngọc Doãn, để Ngọc Doãn thay mình phát triển võ đường Hồ Tấn. Thời điểm đó, Ngọc Doãn là giáo viên Anh văn và Toán đang dạy ở trường cấp 2-3 Đức Trí (nay là Trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ).

Vâng lời cha, từ thầy giáo, Ngọc Doãn chuyển sang làm thầy dạy võ. Chặng đường nối nghiệp cha của Ngọc Doãn trải qua rất nhiều gian khó. Với quyết tâm giữ gìn môn võ gia truyền mà cha ông dày công xây dựng, Ngọc Doãn đã kiên trì tập luyện và ngày càng thu hút môn sinh khắp nơi tề tựu về võ đường Hồ Tấn. Cho đến ngày nay, khi vị chưởng môn đã 75 tuổi, mắt mù nhưng Hồ Tấn đường vẫn nhộn nhịp võ sinh.

Dù có những học trò võ nghệ tinh thông trợ giúp trông coi võ đường nhưng ngày ngày vị võ sư già vẫn ra sân tận tình chỉ dẫn cho các môn sinh từng đường côn, thế kiếm, truyền đạt các chiêu thức, bộ pháp của Hồ Tấn võ. Lão võ sư tâm sự rằng, võ thế gia Hồ Tấn là môn võ cổ truyền dân tộc, ông sẽ cố gắng truyền thụ cho bằng hết những tinh hoa, tinh túy cho lớp con, cháu của mình học, quyết không để thất truyền…

Hang ngan nguoi xuc dong truoc vi chuong mon vo cong tham hau khoc con den mu mat - Anh 3

Các môn sinh của Hồ Tấn võ đường trong một bài biểu diễn.

Lão võ sư mù Ngọc Doãn tâm sự, học võ là học đạo làm người, phải biết trượng nghĩa, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, phải biết giúp đời, giúp nước... Đó là tiêu chí cao nhất để ông thử thách và nhận đệ tử bái sư. Theo ông, người học võ đừng nên quá chú trọng đến việc thượng đài thi đấu để tranh giành phần thưởng thắng, thua hay dùng võ thuật học được để tụ tập băng đảng đánh nhau, gây rối, gây nhiễu loạn thôn xóm mà quên đi đạo lý làm người.

“Học võ trước hết là để lấy cái Đạo, từng đòn thế đều toát lên thần lực của nhãn pháp, nội lực của khí pháp, sự an nhiên tự tại của tâm pháp. Từng nhịp điệu, tiết tấu, độ cương nhu của chiêu thức trong bài quyền đều thể hiện nghệ thuật dung hòa cái đẹp trong uy lực dụng võ”, vị chưởng môn chia sẻ.

Tính đến nay, Hồ Tấn võ đường đã có hàng chục võ sĩ đạt huy chương vàng và bạc liên tục nhiều năm ở các giải vô địch Võ cổ truyền toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Nam.

Chưởng môn mù mắt bởi khóc con

Chưởng môn Ngọc Doãn có tất cả 6 người con nhưng con trai thì chỉ có một. Với mong muốn con trai là một anh hùng cái thế, phát triển Hồ Tấn võ phái lớn mạnh, chưởng môn đặt tên con là Hồ Dung Chí (SN 1972).

Từ nhỏ, Dung Chí cũng ham mê học võ. Trong những đệ tử chưởng môn truyền dạy ngày ấy, Dung Chí sớm nổi lên là một nhân tài với sự nhanh nhẹn, thông minh đúng cái chất “con nhà nòi”. Kể về người con trai này, lão võ sư rất buồn, bởi con ông đã không còn nữa và đôi mắt của ông cũng vì khóc con mà trở nên mù lòa.

“Năm 1991, khi Chí đang chuẩn bị đi học ở Trường Đại học Y khoa Huế thì tối đó nó cùng bạn bè đi chơi. Nó và bạn vừa ra đến cổng thì gặp 2 kẻ say rượu tông vào. Nó đã ra đi khi mới 19 tuổi. Vợ chồng tôi hy vọng nó sẽ kế tục võ phái. Thương con, thấy mình có lỗi với tổ tiên nên tôi không cầm lòng mà khóc mãi”.

Ngày đó, có dư luận rằng chưởng môn mải tập luyện võ nghệ đến độ mù mắt. Nhưng nếu ai được ông tâm sự mới thấu được lòng người cha này.

“Trước khi Dung Chí mất, một dịp nọ, có thư từ trong Bình Định gửi ra mời võ đường tham gia đấu võ. Rà soát một lượt, tôi chọn con mình đi ứng đấu. Tôi nói với con đi thi cũng là đi học, có va chạm thì mới tiến bộ và học võ uyên thâm hơn”, vị trưởng môn kể.

Ngày đi, vì không kịp may áo mới nên Chí mượn một chiếc áo của bạn, sau lưng áo có viết 3 chữ Hán. Cuộc thi ấy, nó chỉ được giải Đồng (huy chương Đồng -PV) nên ra về rất buồn.

‘Sau này, có người nói lại với tôi rằng trong cuộc thi đó, Chí biểu diễn rất tốt bài võ khiên (bài võ bị thất truyền đã lâu) nên ban giám khảo chấm giải vàng. Thế nhưng do trên áo đấu có 3 chữ Hán, thời đó dư luận lại đang có tư tưởng bài Trung Quốc nên người ta đã hạ xuống giải đồng”, chưởng môn kể lại chuyện buồn năm xưa.

Vị chưởng môn cho rằng mình có lỗi trong những việc không may xảy ra với con nên khi con mất, nỗi đau ngút ngàn khiến ông ngày đêm khóc thương. Ông đã sáng tác bài thơ khóc con rất xúc động:

“Dung thân tròn hai mươi tuổi

Chí lớn gửi bóng trăng xa

Tan lòng cha, nát lòng cha

Quãng đời còn lại như là chiêm bao”

“Tan lòng cha, nát lòng cha”, người cha ấy đã khóc ròng rã, bao tháng ngày trôi qua nhưng nỗi đau vẫn không nguôi. Đến khi ông tỉnh lại thì đôi mắt đã mù đi lúc nào không hay. Khi chúng tôi về đây, chuyện đã qua mấy chục năm trời, nhưng nỗi đau ấy vẫn như nguyên vẹn trong lòng ông, âm ỉ từng giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt.

Nhờ chúng tôi dẫn đến bàn thờ, vị chưởng môn già đã từng kinh qua bao thăng trầm, mất mát bật khóc nghẹn ngào khi thắp lên bàn thờ người con trai bạc mệnh của mình nén hương thơm.

Mắt mù tâm sáng

Nhắc đến võ thế gia Hồ Tấn, người dân bên dòng sông Bàn Thạch vẫn truyền miệng nhiều câu chuyện về tài nghệ và công đức của các chưởng môn, võ sư thuộc dòng dõi này.

Tại gian thờ của Hồ Tấn đường hiện nay còn lưu giữ nhiều văn bản khen ngợi của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền Pháp đối với chưởng môn Hồ Lan Đình (viết bằng hai thứ chữ Hán và Pháp, có triện son của Bộ Lại, Bộ Hình, Tổng đốc An Ngãi và con dấu của Bảo hộ Pháp).

Còn chưởng môn Hồ Tấn Ba thì vang danh với những câu chuyện bằng cây roi, đường quyền đã đánh tan tác một toán cướp hung hãn, mang lại sự yên bình cho thôn xóm. Sau năm 1945, có giai đoạn võ sư Hồ Tấn Ba công tác trong lực lượng công an và đã đóng góp nhiều công sức cho cách mạng. Còn nhắc đến chưởng môn Hồ Ngọc Doãn bây giờ là người ta nhắc đến những bài thuốc chữa bệnh cứu người của vị võ sư mù lòa.

Sau khi biết mình đã bị mù, lúc đầu chưởng môn Ngọc Doãn rất đau đớn, xót xa. Khi bình tâm lại, ông thấy mình không thể để mất đi những thế võ bí truyền của môn phái Hồ Tấn do tổ tiên đã bỏ ra bao công sức sáng lập. Từ đó, ông gượng dậy tiếp tục duy trì việc dạy võ. Các tuyệt kỹ võ công Hồ Tấn được ông chân truyền lại cho các đệ tử và không quên đề cao đạo đức làm người.

Hang ngan nguoi xuc dong truoc vi chuong mon vo cong tham hau khoc con den mu mat - Anh 4

Một số chứng nhận của triều Nguyễn đối với võ phái Hồ Tấn.

Thời gian không dạy võ, vị chưởng môn lại vùi đầu vào nghiên cứu y thuật. Thật ra, nghề y cũng là nghề truyền thống của gia đình ông, từ thời chưởng môn Hồ Lan Đình. Võ sư Ngọc Doãn chia sẻ: “Trong tâm khảm tôi, võ thuật và y thuật luôn luôn song hành nhau. Nhưng đau đáu trong lòng là việc kết hợp nó như thế nào và tìm mối liên hệ của chúng”.

Ngày ngày, vị võ sư già nghiên cứu hết phương pháp bấm huyệt đến công dụng của các cây thuốc. Công việc khiến ông vơi bớt nỗi đau, nỗi nhớ người con trai. Qua nhiều sách vở của các cụ đi trước, vị chưởng môn mù đã đúc kết thành hơn 60 bài thuốc chữa bệnh, đó là sự kết hợp giữa các huyệt vị trong người.

Ông chia sẻ: “Từ một số bài thuốc của tổ sư Chánh Lơn để lại, tôi mới phát hiện ra một điểm chung giữa võ thuật và y thuật là các huyệt đạo. Trong các bài võ, muốn nhanh chóng khóa chặt đối phương thì các võ sư thường nhằm vào những yếu huyệt hay những đoạn khớp nhạy cảm trên người. Từ vấn đề này, tôi đặt ra câu hỏi với mình: Người ta dựa vào huyệt để đánh thì tại sao mình không dựa vào đó để chữa bệnh? Thế là tôi sáng tạo ra mấy chục bài thuốc chữa bệnh gắn liền với hàng chục huyệt vị trên cơ thể”.

Với nhận định đúng đắn và kiên trì nghiên cứu từ những bài thuốc gia truyền, kinh nghiệm trong dân gian đã khiến võ sư mù trở thành một thầy thuốc nổi tiếng gần xa. Hàng ngày, ông cần mẫn thăm khám cho những người già; bấm huyệt, đả thông kinh mạch cho những người sau ốm; nắn trật chân, tay, đau nhức cho những người không may ngã té... Đó là những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng rất đầy ý nghĩa.

Tiếp xúc với chúng tôi, những người dân xung quanh khen ngợi dòng dõi Hồ Tấn không chỉ võ thuật trứ danh mà y thuật cũng là nhất nhì xứ Quảng. Anh Nguyễn Văn Cư (SN 1970, ngụ phường An Phú, TP. Tam Kỳ) tâm sự: “Ở địa phương tôi ai cũng biết tiếng tăm của võ sư Doãn. Cách đây 1 năm, anh trai tôi bị tê bại đôi vai dai dẳng, được võ sư bấm huyệt một lần về khỏi hẳn. Nay tôi cũng mắc chứng bệnh tương tự nên đến nhờ võ sư chữa giúp”.

Hang ngan nguoi xuc dong truoc vi chuong mon vo cong tham hau khoc con den mu mat - Anh 5

Chưởng môn Hồ Ngọc Doãn đang chữa bệnh cho anh Nguyễn Văn Cư.

Điều khá đặc biệt, các đời dòng họ Hồ này, nam nhi trong nhà đều theo võ học, nữ nhi theo y thuật. Hiện tại, những người con gái của võ sư Hồ Ngọc Doãn cũng vậy, không chỉ giỏi võ mà họ còn là những y, bác sĩ giỏi tại các bệnh viện, trung tâm y tế hàng đầu. Suốt chặng đường hơn 100 năm, võ đường Hồ Tấn đã nêu cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chia tay chúng tôi, vị chưởng môn già hãnh diện nói: "Tôi tự hào là các thế hệ học trò của võ đường Hồ Tấn chưa có một ai phải vào tù, ra tội do tha hóa đạo đức, tụ tập băng nhóm đánh nhau…".

Hai mươi năm qua, dù không còn đôi mắt sáng, song lão võ sư Ngọc Doãn vẫn không để võ đường một ngày đóng cửa. Võ đường Hồ Tấn bên con sông Bàn Thạch ngày ngày vẫn in hình bóng các môn sinh với những đường quyền tinh túy, uy phong. Và thỉnh thoảng, nơi ấy lại rộn rã tiếng nói cười vui vẻ của các môn sinh thành đạt trở về thăm thầy.

Võ sư Trần Xuân Mẫn (TP. Hội An, Quảng Nam) nhận xét: “Điều đáng nói nhất là võ đường Hồ Tấn còn lưu giữ nhiều bài võ gốc, không bị lai tạp, thất bản. Ngày nay mà còn một võ đường tồn tại hằng trăm năm, có bề dày và tiềm năng lớn lao thực sự như thế thì thật đáng quí, đáng trân trọng”./.

Văn Hoàng - Nam Phương

Nguồn tin: Báo Pháp Luật Plus

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây