Độc đáo quán mỳ gà bình dân 5.000 đồng

Thứ năm - 21/09/2017 10:05
Vẫn giữ đúng nguyên liệu của một tô mỳ gà truyền thống đậm chất Quảng, quán mỳ gần 50 năm tuổi này là địa chỉ quen thuộc đối với những ai muốn thưởng thức vị quê hoặc người lao động nghèo tìm một bữa no.
images1302630 IMG 0583
images1302630 IMG 0583

Giữ trọn nét xưa

Nép mình trên tuyến đường 611, quán mỳ Bà Cúc nằm đối diện với UBND thị trấn Đông Phú (Quế Sơn). Quán tên Cúc nhưng chủ quán lại là bà Huỳnh Thị Hương (56 tuổi).

Còn theo lời kể của bà Mai Thị Lý (mẹ bà Hương), từ những năm 1970, khi người ta còn dùng đồng tiền xu, tiền hào thì quán đã bán với giá 5 hào/1 tô mỳ. Nếu xét về giá trị đồng tiền, 5 hào cũng tương đương với 5 nghìn đồng bây giờ. Như vậy, dù bao nhiêu năm trôi qua, quán mỳ vẫn giữ nguyên vẹn giá cả thị trường. Ngoài ra, những nguyên liệu để nấu thành một tô mỳ cũng giống như trước đây.

Tô mỳ gà đậm vị Quế Sơn vẫn còn giữ nguyên vẹn. Ảnh: VINH ĐẠT
Tô mỳ gà đậm vị Quế Sơn vẫn còn giữ nguyên vẹn. Ảnh: VINH ĐẠT

Bà Hương kể: “Ngày trước, muốn có quán bán mỳ không phải dễ. Việc mua bán, trao đổi không thuận lợi như bây giờ. Nhà tôi mở được quán vì trong nhà có đầy đủ nguyên liệu. Từ mấy đời qua, gia đình tôi vẫn giữ được nghề tráng mỳ lá truyền thống. Sau này dù không bán mỳ lá nữa, nhưng mẹ tôi vẫn ngày ngày tráng mỳ để bán quán. Khoảnh vườn sau nhà, từ lúc mở quán đến nay, quanh năm luôn có rau tươi tốt, chủ yếu là xà lách, rau thơm và chuối cây. Hơn nữa, ở Quế Sơn xưa nay nổi tiếng với giống gà tre Đèo Le nên tôi luôn có mối lấy gà thường xuyên”.

Đặc trưng tô mỳ gà ở đây là luôn có ớt bột. Ảnh: VINH ĐẠT
Đặc trưng tô mỳ gà ở đây là luôn có ớt bột. Ảnh: VINH ĐẠT

Nếu ở miền biển với đặc trưng là mỳ sứa, mỳ ghẹ, vùng xuôi Điện Phương - Điện Bàn nổi tiếng với mỳ Phú Chiêm thì ở nơi trung du thuộc các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ lại nức tiếng xa gần bởi tô mỳ gà. Tuy vậy, mỳ gà ở Quế Sơn lại có nét riêng biệt. Giống gà tre, thịt vừa chắc vừa dai thì ai cũng đã một lần ăn qua. Nhưng để nấu được một nồi nhưn mỳ gà đậm chất Quế Sơn còn phụ thuộc vào tài nêm nếm gia vị của từng người. Và bà Hương may mắn học được điều đó từ mẹ mình. Nước nhưn không ít như mỳ Phú Chiêm, cũng không nhiều như mỳ gà Tam Anh, tô mỳ ở quán Bà Cúc vừa phải nhưng đủ đậm đà. Điều tạo nên vẻ riêng biệt, không giống bất cứ nơi nào của tô mỳ gà này còn nằm ở dĩa rau sống với phần nhiều là thân chuối cây và phải ăn chung với một ít ớt bột.

Quán quen của người nghèo

Những năm trước đây, quán mỳ Bà Cúc, chỉ bán buổi sáng từ 9 - 11 giờ và buổi chiều từ 16 - 18 giờ, đúng như khung thời gian mà bà Lý vẫn bán trước đây. Nhưng khoảng từ năm 2014 đến nay, do nhu cầu của nhiều người nên bà Hương phải tráng mỳ, nấu nước nhưn từ sớm để bán cả ngày. 6 giờ sáng mở quán, khách ra vô tấp nập đến tận khi trời sụp tối. Người đến ăn ở quán mỳ Bà Cúc để thưởng thức vị quê đặc trưng. Nhưng phần nhiều còn lại đều đến quán tìm một bữa no và rẻ, họ là những người lao động nghèo, là học sinh xa nhà ở lại thị trấn học nội trú,...

Quán mỳ Bà Cúc là địa chỉ quen thuộc của người lao động nghèo. Ảnh: VINH ĐẠT
Quán mỳ Bà Cúc là địa chỉ quen thuộc của người lao động nghèo. Ảnh: VINH ĐẠT

Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) là công nhân cho một đơn vị xây dựng đóng trên địa bàn huyện Quế Sơn. Vì làm xa nhà, nhưng phải gởi tiền về hằng tháng cho vợ ở quê nên anh Tuấn rất tiết kiệm trong chi tiêu và trong bữa ăn của mình. “Biết đến quán mỳ Quảng này một lần làm công trình trong thị trấn Đông Phú, ăn xong tô mỳ vừa no, vừa ngon, mình tính tiền thì hoàn toàn bất ngờ với giá 5 nghìn đồng/1 tô. Không nói đến chuyện cô chủ bỏ nhiều sợi mỳ và rau được gọi thêm thoải mái, chỉ tính riêng số lượng gà trong tô thôi thì ai cũng nghĩ nó có giá phải hơn 15 nghìn đồng” - anh Tuấn vui vẻ nói.

Theo bà Hương, vào buổi trưa và chiều tối, những người lao động hay các em học sinh cấp 3 đi học thêm vào ghé ăn ở quán rất đông. Một mình bà phục vụ không xuể, nhiều khách hàng còn đứng lên tự lấy mỳ, bưng bê như đang ở nhà. Hiện quán mỳ Bà Cúc đang nhận lo cho khoảng 5 em học sinh học xa nhà ăn tối thường xuyên. Mỗi tháng, một em đóng khoảng 250 nghìn đồng. “Đối với những người lao động hoặc học sinh, tôi bán không tính toán, miễn sao người ăn no là được. Họ là khách quen, hơn nữa vì nhiều lý do mới đến quán mình thường xuyên nên cũng tôi cũng không tính toán gì nhiều” - bà Hương chia sẻ.

Nói về lời lãi thu được trong một ngày, bà Hương vừa cười vừa kéo ngăn đựng toàn những tờ 2 nghìn, 5 nghìn ra nói: “Bỏ công ra làm lời với đủ để ngày mai mua thêm gà thôi!”.

Quán nhỏ, chỉ vừa đủ cho 2 bộ bàn đá đã cồng kềnh, nghiêng ngã theo thời gian đã qua. Tuy vậy, quán và chủ vẫn ấm áp giữa trọn vị quê như thuở ban đầu mới mở.

PHAN VINH – VĂN ĐẠT

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây