Bắc Bộ rét đậm, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lại lũ lớn

Chủ nhật - 19/11/2017 22:01
Mặc dù bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ tiếp tục gánh chịu nguy cơ đặc biệt nguy hiểm do mưa lớn.

Bắc Bộ rét đậm, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lại lũ lớn - Ảnh 1

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của bão số 14 (sau tan thành áp thấp), từ hôm qua (19/11), các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Hôm nay (20/11), hoàn lưu bão kết hợp ảnh hưởng không khí lạnh rất mạnh nên vùng mưa lớn sẽ mở rộng dần về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ). Từ ngày 19 đến 24/11, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức báo động (BĐ) 2 – BĐ 3 và trên BĐ 3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1 - BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.

Ở các tỉnh phía Bắc, đêm qua (19/11), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời chuyển rét, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-16oC, vùng núi 11-14oC, vùng núi cao dưới 10oC. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Cảnh báo từ hôm nay (20/11), không khí lạnh sẽ tiếp tục được bổ sung nên ở Bắc và Trung Trung Bộ trời rét, riêng vùng núi và trung du phía Bắc có nơi rét đậm. Ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Trước diễn biến nguy hiểm về tình hình mưa lũ, tại cuộc họp BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai hôm qua, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cảnh báo: Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là hai vùng vừa liên tiếp xảy ra những thiệt hại nặng nề do mưa bão số 12. Vì vậy, diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12 là vô cùng nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan. Trước tình này, Chính phủ và các Bộ, ngành và địa phương cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, cử nhiều đoàn công tác về địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt trong ứng phó với cơn bão số 14, đặc biệt trong sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ lồng bè, nuôi trồng thủy sản và an toàn tàu thuyền...

Theo ông Hoài, các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt trong vận hành các hồ chứa, đảm bảo an toàn vùng hạ du cũng như khu vực dễ bị ngập lụt, chia cắt hoặc bị sạt lở đất, lũ quét.

Theo yêu cầu của các Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các tỉnh, các hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện như Vĩnh Sơn B; Vĩnh Sơn C; An Khê; Ka Na; Đak Mi 4a; Đakđrinh; Sông Giang 2; Ea Krong Rou. Về hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), khu vực Nam Trung Bộ hiện có tổng số 501 hồ, trong đó có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận). Khu vực Đông Nam Bộ có 113 hồ, trong đó có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây