Gieo niềm tin giữa hoang vu...

Thứ tư - 11/10/2017 05:34
Với Huỳnh Quốc Vinh (thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, Núi Thành), số phận là do bản thân gieo gặt lấy. Anh tha thứ cho chính mình. Để rồi, giữa những cùng cực của nỗi buồn, của thất bại và lỗi lầm, anh chọn cách nghĩ về tương lai mà đứng dậy.
images1381180 Trang1 12a
images1381180 Trang1 12a

Vịn lấy ngày mai

Gương mặt góc cạnh, dáng hình có phần khắc khổ, nhưng ánh nhìn rất khó lẫn. Rất sáng và rất sâu. Tôi theo anh ra cánh đồng Gò Dài, nơi từ 3 năm trước, những giọt mồ hôi đầu tiên của Vinh đã đổ xuống cát cháy nơi này. Bình minh lấp lóa trên những ao nước, vốn là hố khai thác titan đã bỏ hoang từ lâu. Nghe tiếng chân quen, đàn gà, đàn vịt từ dưới đồng lao xao chạy quấn lấy từng bước chân anh, rộn rịp cả một góc đồng. Chưa kịp nói điều gì, ngoại trừ câu chào lúc mới gặp mặt. Anh tất tả giữa bầy gà, đàn vịt, cần mẫn và lặng lẽ. Như cái cách anh đã chọn nơi này, chỗ chỉ có cát cháy, nắng, gió và những hố đào lấy titan sâu hoắm…

Chúng tôi ngồi lại với nhau bên bờ ao, nơi căn lán nhỏ cạnh chòi vịt. Bắt đầu bằng hồi ức ngày cũ. Là những ngày tuổi trẻ lạc lối, khi bạn bè, những cuộc vui dần kéo anh sa vào bao cám dỗ đầu đời. Dính án. Tòa tuyên 8 năm tù giam, sau một lần anh tham gia một vụ cướp giật. Đó là năm 2009. Ngày dài nhất, là những ngày trong trại. Thời gian cứ chầm chậm trôi, trong những day dứt lầm lỗi, trong cả nỗi nhớ tiếc khoảng trời tự do, hay niềm thương gia đình đang còn ở quê. Khi ấy, anh vừa lấy vợ, và đứa con đầu lòng mới tượng hình. “Đứng dậy, hay gục ngã, là ở mình. Tôi đã nghĩ như thế. Ở trong trại, tôi học được nhiều bài học, tự suy ngẫm về cuộc đời, về quá nhiều thời gian của tuổi trẻ mà mình đã hoang phí đốt cháy ngoài kia. Rồi nghĩ về vợ con. Tôi biết, mình cần làm lại. Thứ tồn tại duy nhất với mình, là ngày mai” - anh kể. Cuộc đời anh đổi thay từ đó. Nỗ lực cải tạo, năm 2015, anh ra tù. Hai năm, ba tháng, hai mươi hai ngày, là khoảng thời gian ân xá trước thời hạn, sau quá trình chấp hành án đầy cố gắng của Vinh. Nhưng, sau niềm vui ngày đoàn tụ, lại là chông chênh. Hồ sơ xin việc bị nhiều nơi từ chối. Anh lặn lội đi làm công nhân, nhưng khoản lương ít ỏi, lại là lao động thời vụ, không đảm bảo cuộc sống lâu dài. Rồi nghỉ. Anh chọn lấy nơi mình đã bước đi để trở về, chọn chính chỗ mà không một ai tin có thể làm ra tiền để bắt đầu lại: cánh đồng Gò Dài.

Nghị lực sống và niềm tin hướng thiện giúp Vinh làm lại cuộc đời. Ảnh: THÀNH CÔNG
Nghị lực sống và niềm tin hướng thiện giúp Vinh làm lại cuộc đời. Ảnh: THÀNH CÔNG

“Sau bấy nhiêu năm, về với gia đình, với vợ con, tôi biết mình phải bắt đầu lại. Chỉ có một hướng là nhìn về tương lai mà sống. Con nhà nông, thì làm nông. Chỗ này, có ao nước sâu, có bãi bờ rộng, không gì khác hơn ngoài nuôi vịt. Vậy là hỏi, mua về, rồi nuôi” - anh bộc bạch. Bãi đất hoang trơ đá sỏi, và những hố titan đã bỏ không, thành nơi anh khởi nghiệp. Anh lặn lội chạy xe vào Quảng Ngãi, tìm đến lò giống mua một ngàn con vịt. Ngày thả ngoài đồng. Đêm đến lại lùa về chòi nằm canh vịt. Anh ở gần đủ hai mươi bốn giờ một ngày, trừ những lúc về nhà chở thức ăn cho đàn vịt. Lấy công làm lãi, mưa nắng, ngày đêm, kể cả những lời rủ rê của bạn bè cũ, anh bỏ ngoài tai. Người thân kể, về nhà, anh thay đổi hẳn, không nói không rằng, suốt ngày chỉ làm việc và làm việc. Anh nói làm cho bằng bạn bằng bè. Ba anh bảo, đi sau họ sáu năm trời, liệu có làm nổi không. Nhưng anh quả quyết, rằng nếu không làm, thì sáu năm hay mười năm, cũng không bao giờ có gì trong tay cả. Một niềm tin được gieo xuống cánh đồng Gò Dài, là những bước đầu tiên, khi anh đứng lên từ vấp ngã…

“Quả ngọt” ở Gò Dài

Những thử thách không dừng lại với Vinh. Lứa vịt đầu tiên, anh nuôi lớn gần đến ngày xuất bán thì dính bệnh và chết hàng loạt. Nợ chồng thêm nợ. Tiền giống, tiền thức ăn, bao mồ hôi trôi theo giọt nước mắt lặng lẽ rớt xuống Gò Dài. Đó cũng là những cay đắng đầu tiên mà anh gặp phải. “Lần đầu tiên, bao tâm huyết, công sức của mình đổ xuống, cuối cùng tan nát. Đau, nhưng mình không thể dừng lại. Mất thì tìm cách gỡ. Tôi cứ nghĩ, mình phải có cuộc sống tốt hơn, và vì vợ con nữa” - Vinh kể về lần thất bại ấy. Vay mượn bạn bè, anh lại đầu tư thêm một lứa vịt khác, cũng hàng nghìn con. Lần này, đàn vịt còn được… phân nửa. Hai lần liên tiếp, anh ngồi lại, nghĩ lại, rồi khăn gói đi tìm “thầy” học… nuôi vịt. Chỗ nào có vịt là anh rúc đến, bất kể xa xôi, mưa nắng, ngõ ngách. Chuyện chọn giống, ủ giống, rồi nuôi thả, cho ăn, theo dõi, phòng dịch. Hết vốn trong hai lần thua lỗ trước, anh vào lại Quảng Ngãi, xin chủ lò ấp cung ứng giống, đến mùa xuất bán khấu trừ. Những cố gắng được đền đáp. Đó cũng là mùa “quả ngọt” đầu tiên ở Gò Dài, sau gần một năm ròng anh sống cùng giấc mơ khởi nghiệp giản dị của mình.

Huỳnh Quốc Vinh chọn khởi nghiệp trên chính quê hương mình.
Huỳnh Quốc Vinh chọn khởi nghiệp trên chính quê hương mình.

Sương gió giờ in hằn trên làn da sạm, dáng người chắc nịch của anh. Đất hoang, được tưới tắm bằng chính mồ hôi của chàng trai trẻ. Là những ngày mưa lặn lội ra đồng rào, dựng chòi cho vịt. Là những đêm nằm lại một mình, với đống lửa nhỏ và chỉ một chiếc đèn pin. Là đôi bàn tay không chịu ngơi nghỉ. Từ nuôi vịt, anh thả thêm năm trăm con gà giống, trồng cỏ nuôi bò, nuôi heo. Từng người bạn rời bỏ quê lên phố làm ăn, anh ở lại. Lặng lẽ với những công việc mà không nhiều người trẻ chọn, như một cách để trả nợ cho tuổi trẻ lầm lỗi, và làm lại cuộc đời. Tháng 6.2017, anh dựng được một mái nhà nhỏ, ra riêng, cũng từ chính đôi tay không mệt mỏi của mình. Chúng tôi gặp chị Bùi Thị Minh Thơm, vợ anh Vinh, trong căn nhà nhỏ. Vẫn là giọt nước mắt, khi kể về những tháng ngày đã qua. Nhưng trong cái cười, trong câu chuyện của người phụ nữ trẻ, đã thấy lấp lánh dáng hình hạnh phúc. Chị tin anh, tin vào nỗ lực hướng thiện của chồng mình ngay từ khi trở về. “Ảnh làm không nghỉ. Xuất bán xong gà vịt, là lặn lội đi khắp các vùng, hỏi mua keo, rồi thuê xe, thuê người tự khai thác. Lời lãi lại để dành mua giống, làm chuồng, nuôi tiếp. Kết hợp mỗi thứ một ít, giờ thu nhập cũng phần nào ổn định, đủ để lo cho con cái ăn học” - chị cười. Ít ai biết, từng có một thời gian dài nụ cười ấy đã tắt, khi chồng vào trại, con chưa lọt lòng. Di chứng của những đau buồn ảnh hưởng lên đứa trẻ, chị phải mất 6 năm ròng chạy chữa cho con. Sau quá nhiều đắng cay, chính những nỗ lực của người chồng đã thắp lại niềm vui, thắp lại hạnh phúc cho gia đình nhỏ…

Tôi ngồi lại với anh bên ao nước cạnh chòi vịt. Là những câu chuyện về tương lai, với ước mơ mở rộng khu chăn nuôi, đầu tư thêm một đàn heo cỏ. Rồi nạo vét ao làm nơi nuôi cá, nhân rộng đàn vịt, đàn gà đồi. Nơi này, đã níu chân anh, như một chỗ đủ thanh bình dung chứa và chở che cho số phận của một người con lầm lạc nay đã trở về. Sau bấy nhiêu sóng gió của tuổi trẻ, anh không còn quá tin vào rủi may nữa. Vẫn là câu nói từ lúc gặp mặt, phận số, là do chính mình gieo gặt lấy. “Khó nhất, vẫn là vốn. Nếu có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, tôi còn muốn mở rộng đầu tư, sản xuất cho bài bản, từ chính con gà, con vịt, con cá, ở nơi hoang vu này…” - Vinh bộc bạch. Từ ánh mắt của anh, tôi tin, quá khứ, dù không dễ quên, nhưng hẳn đã có thể ngủ yên khi một cuộc sống mới đang thành hình, sau hành trình dài gieo mồ hôi và niềm tin xuống giữa hoang vu của cánh đồng Gò Dài cát cháy…

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây