Cử nhân kinh tế bỏ phố về quê trồng nấm bào ngư

Thứ ba - 30/08/2016 01:43
Từ một cử nhân kinh tế có công ăn việc làm ổn định ở thành phố, chàng trai trẻ đột ngột khăn gói về quê tự mở trang trại trồng nấm bào ngư, với quyết tâm mình sẽ đổi đời.
Cử nhân kinh tế bỏ phố về quê trồng nấm bào ngư

Đó là chàng trai trẻ Hồ Đức Thiện (26 tuổi, trú phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Ông chủ trẻ đang ngày một ăn nên làm ra nhờ nghề trồng nấm bào ngư.

Cu nhan kinh te bo pho ve que trong nam bao ngu - Anh 1

Thiện và trang trại nấm bào ngư đang ăn nên làm ra

Vào Nam ra Bắc tầm sư học…nghề

Rời giảng đường đại học với tấm bằng Quản trị kinh doanh, Thiện dễ dàng tìm cho mình chỗ đứng ở một công ty phần mềm tại Đà Nẵng cùng mức thu nhập ổn định (7 triệu đồng/tháng). Với nhiều sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào đời, có lẽ ngần ấy là quá đủ để hài lòng với công việc bàn giấy tương đối nhàn hạ.

Tuy nhiên, Hồ Đức Thiện lại quan niệm khác. “Sống là không an phận. Tuổi trẻ phải luôn nuôi dưỡng ý chí, khát khao làm giàu và tự chủ kinh tế” – Đó vừa là phương châm, vừa là động lực thôi thúc cậu ra sức phấn đấu để cháy hết đam mê vốn có. Vậy nên, trong quãng thời gian ngắn ngủi chưa đầy nửa năm làm nhân viên văn phòng, Thiện luôn tranh thủ tìm kiếm cơ hội rẽ hướng.

Tình cờ theo dõi chương trình truyền hình phát sóng mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả của bà con các tỉnh duyên hải miền Trung, Thiện lập tức tâm đắc. Không chần chừ, Thiện quyết định thôi việc ở thành phố, lật đật khăn gói về quê. Nhắc lại hành động táo bạo này, Thiện tâm sự: “Quả thật hồi đó chẳng đắn đo khi bỏ ngang công việc ở thành phố để về quê thực hiện dự định bấy lâu. Ban đầu, gia đình can ngăn quyết liệt nhưng mãi không được nên mọi người đành buông. Dần dần, thay vì cấm cản, ba mẹ trở thành điểm tựa, ra sức động viên mình cố gắng với bước khởi nghiệp đầu đời”.

Cu nhan kinh te bo pho ve que trong nam bao ngu - Anh 2

Những bịch phôi được chăm sóc cẩn thận nhằm đảm bảo phát triển tại trại nấm

Về quê, sau khi tìm hiểu, tham khảo thông tin trên mạng internet, Thiện bắt tay xây dựng trang trại với nguồn vốn chắt chiu dành dụm. Ngày “cơ ngơi” trong mơ hoàn thiện cũng là ngày Thiện bẵng đi khỏi địa phương 5 tháng trời không về. Chàng trai 9X làm chuyến hành trình dài, rong ruổi khắp các vùng trồng nấm bào ngư vang tiếng ở dọc dài nẻo đường miền Trung để tầm sư học…nghề.

“Từ Thừa Thiên-Huế trở vào Quảng Ngãi, không địa phương trồng nấm bào ngư nào là mình không đặt chân đến. Mình không ngại ngần xin tá túc nhà dân nhằm tìm tòi, học hỏi phương pháp, kĩ thuật trồng loại thực vật đầy tiềm năng này. Cố gắng bằng mọi cách có thể cóp nhặt, ghi lại những cái hay, bổ ích mà bà con chia sẻ để về ứng dụng vào trang trại của mình”, Thiện kể.

Hành trang Thiện mang theo ngày trở về quê, ngoài dăm bộ quần áo trong ba lô là một mớ kiến thức, kinh nghiệm mà cậu “lượm lặt” dọc đường. Với Thiện, bấy nhiêu thôi cũng quá đủ để ngay lập tức “sản sinh” trang trại trồng nấm bào ngư đầu tiên ở địa phương mình.

Bước chạy đà đầu tiên trong hành trình chinh phục đích đến của Thiện bắt đầu bằng việc mạnh dạn đề xuất nguyện vọng lên Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nguồn giống chất lượng. Hạnh phúc vỡ òa với chàng trai trẻ khi cơ quan mà cậu đặt hàng đồng ý cấp giống miễn phí như một sự khích lệ cho cậu khởi nghiệp.

Đổi đời nhờ nấm bào ngư

Những tưởng với sự giúp đỡ tận tình của Sở KH&CN tỉnh sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ông chủ trẻ cùng trang trại nấm, ấy nhưng Thiện ngậm đắng nuốt cay nhận cú vấp đầu đời. Toàn bộ mẻ nấm bào ngư gần 1000 bịch phôi đang trong thời kì sinh sôi bỗng dưng chết yểu. Lý giải về thất bại này, Thiện cho hay: “Mới đầu mình cũng choáng váng, mơ hồ vì không xác định nguyên nhân. Về sau, mình tìm hiểu thì nhận thấy chính khâu kĩ thuật ủ, hấp chưa đảm bảo đã dẫn đến tình trạng phôi không cho ra nấm. Rút kinh nghiệm, mình hạ quyết tâm khôi phục, đầu tư lại với suy nghĩ “đâm lao thì phải theo lao” và vững một niềm tin rằng thành công sẽ đến”.

Cu nhan kinh te bo pho ve que trong nam bao ngu - Anh 3

Nấm bào ngư của Thiện đang được đặt hàng ngày một lớn

Quả thật, khi đã khắc phục các yếu tố làm thất bát mẻ nấm đầu tiên, Thiện đã “gặt quả ngọt” ở vụ thu hoạch thứ hai. Với 2 loại nấm bào ngư dạng: sò trắng và tím, sau 25 ngày kể từ lúc đặt phôi, trại nấm cho xuất bán tầm 30-50kg/ngày. Với giá dao động 25-30 nghìn đồng/kg nấm trắng, 35-40 nghìn đồng/kg nấm tím, Thiện bỏ túi cả chục triệu đồng chỉ sau chưa đầy một tháng.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay trang trại trồng nấm của chàng cử nhân kinh tế đã được mở rộng lên 200m2 nhằm phục vụ cho ý định đẩy mạnh sản xuất loại nấm vừa sạch, vừa giàu chất dinh dưỡng này. Ngoài ra, Thiện còn tận dụng nguyên liệu tưởng chừng phế phẩm ở trại nấm, sau đó ủ với men vi sinh. Chính nhờ điều này đã tạo ra nguồn phân hữu cơ vô cùng tốt bón cho khổ qua rừng (một loại quả có chức năng chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp). “Vừa qua có một công ty trực tiếp đến trại nấm và đặt hàng số lượng 100kg/ngày. Mình đã cân nhắc rất kĩ và quyết định mở rộng trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của thị trường”, Thiện nói

Nhắc đến Thiện, ông Trương Minh Tuấn (chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Bắc) nhận xét: “Thiện là một tấm gương sáng về nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu để lớp lớp thanh niên ở địa phương noi theo. Hội Nông dân dự định gửi đề xuất lên Sở KH&CN hỗ trợ cho Thiện lò hấp phôi. Bởi hiện nay cậu ấy đã tự sản xuất phôi giống và chỉ còn thiếu mỗi thiết bị phục vụ hấp”.

Tam Liên – Cẩm Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây