Ngon nhức nách với món cao lầu Hội An nổi danh xứ Quảng

Thứ năm - 18/08/2016 22:53
Nhắc đến thành phố du lịch Hội An, người ta thường nghĩ ngay đến những ngôi nhà cổ kính, trầm mặc lặng lẽ đứng giữa rêu phong, lung linh ánh đèn lồng in bóng nước sông Hoài mỗi khi đêm xuống. Du khách đến Hội An không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp hoài cổ ở nơi đây mà còn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản hấp dẫn, trong đó phải kể đến Cao Lầu - niềm tự hào của ẩm thực phố Hội.
Ngon nhức nách với món cao lầu Hội An nổi danh xứ Quảng
Cao Lầu từ lâu đã được xem là một món mỳ đặc sản của Hội An. Theo những người Hoa sống lâu năm tại phố cổ thì Cao Lầu xuất hiện ở đây từ thế kỷ 17, lúc bấy giờ cảng Hội An mới được khai thông và đón những thuyền buôn từ nước ngoài vào mua bán. Mặc dù đến sau người Nhật nhưng những người Hoa mới là nhân vật bám trụ lâu nhất trên vùng đất cổ này. Cao Lầu đã xuất hiện với hình ảnh một món mỳ trộn ở Hội An, Đà Nẵng, Huế và được bày bán trong các quán ăn hai tầng có treo đèn lồng xanh đỏ. Cái tên Cao Lầu bắt nguồn từ tiếng Hoa, chỉ những món cao lương mĩ vị. Những người giàu có khi đi ăn thường ngồi trên lầu, món cao lương mĩ vị này quen được xướng mang lên lầu để phục vụ thực khách, dần dần dần rút lại thành cái tên "Cao Lầu" như ngày nay vẫn dùng.
 

Cao Lầu Hội An là sự hòa quyện giữa nhiều thực phẩm khác nhau tạo nên hương vị đặc biệt khó lẫn. Sợi Cao Lầu được làm từ gạo ngâm với nước tro lọc kỹ, dùng vải bòng cho bột khô, dẻo, cán mỏng và xắt thành sợi rồi đem hấp nhiều lần cho chín, sau đó phơi khô. Cho đến ngày nay người ta vẫn truyền tai nhau rằng muốn sợi Cao Lầu thơm ngon thì phải ngâm gạo trong tro lấy từ củi ở đảo Cù Lao Chàm, nước cũng phải lấy ở giếng Bá Lễ - một giếng nước nổi tiếng mà nhiều gia đình, hàng quán ở phố cổ dùng hằng ngày.
 

Sợi Cao Lầu khô sau khi ngâm nước nóng vài giờ, xả nước để ráo thì có thể chế biến thành nhiều món ăn như Cao Lầu khô trộn, Cao Lầu nước thơm ngon nức tiếng. Thực phẩm dùng chung với Cao Lầu là tôm, thịt ba rọi được trộn chung với hành tím băm nhuyễn, cho thêm các loại gia vị như tiêu, bột ngọt, muối. Sau khi xào tôm thịt chín trong chảo hành tỏi phi, cho sợi Cao Lầu vào, nêm thêm một ít xì dầu và nhanh tay đảo đều cho đến khi thấm gia vị là được. Cao Lầu phải ăn cùng bánh tráng nướng, tép mỡ, tương ớt và giá trụng thì mới đúng điệu. Tôm thịt ngọt lịm, hành ngò thơm lừng quyện với cái giòn tan của bánh tráng, sần sật của sợi Cao Lầu làm nên món ăn đậm đà khó quên.
 

 
Lang thang khắp phố cổ không khó để tìm ra những hàng quán có bán Cao Lầu. Chỉ với 25.000 đồng, thực khách đã có thể thưởng thức món ăn mang đậm bản sắn phố cổ mà không nơi đâu có được. Đối với nền ẩm thực Hội An, Cao Lầu là một niềm tự hào bởi nó hấp dẫn đến mức hầu như ai từng đặt chân tới cũng đều muốn nếm thử. Phải một lần ghé đến Hội An, ngồi giữa không gian cổ kính lấp lánh ánh đèn, thưởng thức một bát Cao Lầu thơm ngon mới có thể cảm hết những tinh túy của vùng đất xưa cổ này.
 

Tác giả bài viết: Kim Thôi

Nguồn tin: Nguoiquangnam.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nguoiquangnam.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây