Trầm mặc Mỹ Sơn

Chủ nhật - 21/08/2016 04:48
Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) luôn mang vẻ trầm mặc, u tịch nhưng lại vô cùng hấp dẫn bước chân du khách. Mỗi ngày, nơi đây đón nhiều đoàn khách, trong nước có, khách nước ngoài tìm đến cũng nhiều.
Trầm mặc Mỹ Sơn

Khu đền tháp Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm; là một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 1999.
 

Tram mac My Son - Anh 2


Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.
 

Tram mac My Son - Anh 3


Trải qua 10 thế kỷ nghệ thuật của Mỹ Sơn hé mở cho chúng ta thấy được quá khứ huy hoàng.
 

Tram mac My Son - Anh 4


Từng chìm trong lãng quên hàng thế kỷ, mãi cho tới năm 1885 Mỹ Sơn tình cờ được phát hiện bởi một toán lính Pháp. 10 năm sau, Camille Paris đến đây nghiên cứu, rồi 2 nhà khoa học người Pháp là Louis Finot và Lunet de Lajonquìere đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia vào các năm 1898 - 1899. Đầu thế kỷ 20, KTS kiêm nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đến đo đạc và nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Mỹ Sơn...
 

Tram mac My Son - Anh 5


Vào những năm 1960, Mỹ Sơn phải hứng chịu những trận bom khốc liệt liệt từ máy bay B.52 của Mỹ. Nhiều đền tháp quan trọng sụp đổ, những bia đá vỡ vụn… Đáng tiếc nhất phải kể đến hai ngôi đền lớn là A1 (thế kỷ X) và E4 (thế kỷ XI) bị đánh sập.
 

Tram mac My Son - Anh 6


Ngày nay, mặc dù đã được các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiến hành trùng tu, tôn tạo, nhưng khi đến thăm Mỹ Sơn, du khách vẫn còn thấy nhiếu dấu tích của một di sản đã bị bom đạn tàn phá. Tuy vậy, vẻ đẹp trầm mặc của Mỹ Sơn vẫn khiến người ta ngỡ ngàng, đủ hé mở một quá khứ huy hoàng của nền văn minh Chămpa một thời vang bóng.
 

Phạm Tô

Nguồn tin: www.baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây