Tam Thanh: Ngôi làng của màu sắc và tình yêu

Thứ năm - 16/11/2017 22:05
Trong "Hành trình Vespa: Men biển mà đi" của mình, chúng tôi tới thăm Tam Thanh, một làng chài nhỏ bé nằm ven biển Quảng Nam. Không giống như bao ngôi làng khác trải dài suốt duyên hải Nam Trung bộ, Tam Thanh khoác lên mình sắc màu rực rỡ của những bức bích họa vừa đẹp đẽ vừa bình dị.
Tam Thanh: Ngôi làng của màu sắc và tình yêu

Nhờ dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc – Việt Nam do UBND thành phố Tam Kỳ và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation – KF) đồng tổ chức và thực hiện, Tam Thanh từ một làng chài nghèo nhỏ bé, giờ đây đã trở thành một trong những điếm đến hấp dẫn thuộc khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.

Những bức bích họa (một hình thức trang trí phổ biến tại những làng ven biển Hàn Quốc) mô tả về con người, làng xóm và những câu chuyện tình yêu của chính người dân xứ biển. Những vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống được khắc họa lên những bức tường vôi là niềm tự hào của người dân Tam Thanh và là niềm vui thích của mọi khách du lịch tới đây mỗi ngày.


Ảnh 1/20Xem slide

 Người Tam Thanh tự hào vì dường như họ đã nhìn thấy chính mình trong các tác phẩm nghệ thuật, điều mà bao lâu nay, do bộn bề vất vả mà họ đã không kịp nhận ra.

Trong số những bức bích họa đẹp đẽ ghi lại cuộc sống thường nhật của những người dân nơi đây, bức vẽ và câu chuyện cặp vợ chồng thợ may của anh Võ Đức và chị Lâm Thị Tường Vi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về tình yêu và những điều giản dị trong cuộc sống. Sau một tai nạn xe đạp từ lúc còn bé, anh Đức bị điếc nên không thể ra biển như bao trai tráng khác trong làng. Chị Vi yêu và lấy anh vì cảm mến người đàn ông thật thà chất phác nhưng hết mực yêu thương vợ con. Hàng ngày, anh Đức tần tảo giúp vợ bằng công việc may rèm cửa thuê.

Từ ngày có bức tranh trên tường, nhà của anh chị trở thành một trong những điểm thăm quan chính của du khách khi tới làng. Chị Vi không còn phải đi làm thuê nữa mà ở nhà bán hàng nước giải khát phục vụ khách. Chị khoe cái mái hiên di động mới trước thềm nhà là do một tổ chức từ thiện tặng để anh chị có thể phục vụ khách ngồi uống nước chu đáo hơn. Tình yêu của họ cũng giản dị và đơn sơ như tính cách của bao người dân xứ biển.

Nhưng điều mà tôi cảm thấy đáng trân trọng nhất, đó chính là người dân tam Thanh không hề vì sự phát triển mau chóng của du lịch mà quên đi nghề truyền thống bao đời, đó là nghề biển. Phụ nữ vẫn làm mắm, người già vẫn đan lưới, thanh niên trai tráng vẫn sửa soạn đồ nghề để ra biển.

Cuộc sống của họ vẫn gắn liền với biển như bao đời nay vẫn thế. Những sắc màu cuộc sống của ngôi làng bích họa dường như không hề làm thay đổi lối sống cũng như công việc của mọi người. Họ chỉ coi đó như gia vị và niềm vui cho cuộc sống bình dị và thanh thản của mình.

Phạm Minh (bài, ảnh)

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây