Tổ chức lại nghề cá để phát triển bền vững

Thứ hai - 10/09/2018 22:26
Thời gian qua, số lượng phương tiện khai thác hải sản ở tỉnh Quảng Nam tăng nhanh nhờ vào các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Sản xuất gặp khó

So với mọi năm vào thời điểm này, thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản trên biển, thế nhưng nhiều tàu cá ngư dân Quảng Nam không thể ra khơi hoặc một số tàu đi với lượng ngư dân rất ít do thiếu lao động bám biển.

Tại bến cá An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhiều tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ của các ngư dân huyện Duy Xuyên và TP Hội An phải nằm bờ vì thiếu lao động.
 
 
tau ca 1 1
Nhiều tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng của ngư dân không thể ra khơi do thiếu lao động đi biển.

Ông Phạm Hùng (53 tuổi, trú xã Duy Hải) chủ tàu vỏ thép 93579 TS, công suất 814 CV cho biết, tàu cá vỏ thép của ông đóng tổng số vốn khoảng 15 tỷ đồng, tuy nhiên, những tháng qua, do việc tìm kiếm bạn thuyền đi biển hết sức khó khăn nên tàu phải nằm bờ dài ngày. Lao động không còn mặn mà với nghề biển vì nghề này gặp nhiều nguy hiểm và lao động nặng nhọc. Hơn nữa, ngư trường đánh bắt hải sản ngày càng cạn kiệt và đầu ra hải sản không ổn định nên chi phí trả tiền lao động không được cao. Trong khi đó, nhiều công ty xí nghiệp, các dịch vụ du lịch có nhu cầu tuyển lao động địa phương rất lớn.

“Mỗi chuyến đi biển dài hơn 20 ngày chi phí hết khoảng 170 triệu đồng và cần từ 10 đến 12 bạn thuyền. Lao động thiếu nhưng phải chấp nhận ra khơi với 9 người. Do đó, năng suất đánh bắt hải sản không cao, dẫn đến việc trả tiền công cho bạn thuyền ít từ 2-3 triệu đồng/1người nên họ xin nghỉ hoặc chuyển qua làm nghề khác.”- ông Hùng chia sẻ.

Để thu hút các bạn thuyền đi biển, các chủ tàu ở Quảng Nam cạnh tranh với nhau bằng các cách như: Chấp nhận cho các bạn thuyền tạm ứng tiền công trước, tuy nhiên một số lao động sau khi nhận tiền tạm ứng xong thì không thấy ở địa phương, khiến chủ tàu phải đi đòi lại tiền đã cho mượn rất vất vả. Ngư dân Tạ Văn Lâu, trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa lo lắng: “Tôi lo sợ chỉ vài chuyến biển nữa các bạn thuyền xin nghỉ hết, không biết đâu tìm ra bạn thuyền đi biển, trong khi đó, tàu vỏ thép của tôi mà phải nằm bờ lâu thì không có tiền trả nợ cho ngân hàng và hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiền dầu”.

Ông Võ Quốc Hai, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải cho biết, hiện tại toàn xã có hơn 28 tàu thuyền có công suất hơn 90CV đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, thời gian qua, do hoạt động đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả không cao, dẫn đến nguồn thu nhập của các bạn thuyền đi biển thấp nên một số đã chuyển qua hành nghề đánh bắt gần bờ hoặc xin vào làm ở các công ty, dự án. Vì vậy sản lượng đánh bắt ở địa phương giảm hơn so với các năm trước.

Tổ chức lại sản xuất

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 4.300 phương tiện nghề cá với tổng công suất 220.000CV. Để phát triển nghề cá bền vững, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức lại nghề cá theo hướng cải hoán, nâng cấp thành đội tàu công suất lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ nguồn lợi hải sản.
 
 
tau ca 2
Quảng Nam tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác của nghề cá.

Theo đó, đến năm 2020, địa phương thực hiện giảm dần số lượng phương tiện khai thác hải sản xuống còn 4.000 chiếc vào năm 2020.Để thực hiện điều này, tỉnh Quảng Nam tạm dừng đóng mới tàu cá công suất lớn, đồng thời, tập trung nâng cấp từ tàu công suất nhỏ lên công suất lớn, cải hoán, chuyển đổi một số phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, tàn phá nguồn lợi hải sản. Đối với các nghề giã cào, pha xúc, tuyệt đối không cho phát sinh thêm. Phát triển đội tàu xa bờ với các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, câu mực khơi, chụp mực khơi đồng thời du nhập phát triển một số nghề mới; Ứng dụng các mô hình bảo quản hải sản tiên tiến nhằm giảm tổn thất sau khai thác...

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn, khuyến khích ngư dân thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế sản phẩm ngay trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, giữ chất lượng sản phẩm đạt tốt sau khai thác. Đồng thời, tập trung triển khai công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, giúp ngư dân khai thác hiệu quả, an toàn thông qua việc điều tra diễn biến ngư trường nguồn lợi, diễn biến thời tiết kết hợp với dự báo ngư trường nguồn lợi của các cơ quan chuyên môn ở trung ương.

Đối với đánh bắt hải sản gần bờ, ngành sẽ xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế, khắc phục tình trạng khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt nguồn lợi, giúp ngư dân ổn định cuộc sống đồng thời bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái trên biển tốt hơn.

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây