Gian nan chuyện bảo vệ voi ở Nông Sơn

Thứ ba - 26/12/2017 01:10
Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Gian nan chuyện bảo vệ voi ở Nông Sơn
 Trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam đang được thuê lại của nhà dân. Ảnh: VINH THÔNG
Trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam đang được thuê lại của nhà dân. Ảnh: VINH THÔNG

Thiếu nhân lực

Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam hiện có 8 người, trong đó có 1 giám đốc, 2 cán bộ nữ phụ trách chuyên môn kế toán và hành chính, còn lại là 5 cán bộ nam phụ trách kế hoạch kỹ thuật và bám địa bàn 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh. Như vậy, những người trực tiếp bước chân vào rừng chỉ có khoảng 5 - 6 người, trong khi Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi hiện có ít nhất 7 cá thể voi.

Được biết, trong đề án thành lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam của Tổng cục Lâm nghiệp có quy định về bộ máy tổ chức là 59 biên chế. Trong đó, dưới Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam còn có các phòng ban như: Phòng Tổ chức hành chính; Phòng Kế hoạch tài chính; Phòng Kế hoạch kỹ thuật và hợp tác quốc tế; Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường. Đặc biệt, ngoài những phòng này ra, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam phải thành lập được Hạt Kiểm lâm riêng. Bởi theo quy định, hơn 15.000ha rừng đặc dụng phải có Hạt Kiểm lâm quản lý và 1 kiểm lâm phụ trách đứng điểm 500ha, trong khi Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam có tới gần 19.000ha rừng đặc dụng.

Lượng lực quá mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát trong rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam rất khó khăn.
Lượng lực quá mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát trong rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam rất khó khăn.

Theo ông Đoàn Xuân Thanh - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam, chính vì không có Hạt Kiểm lâm nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo vệ voi nhưng không được trang bị dụng cụ hỗ trợ như súng và đồng phục nên rất nguy hiểm khi đi công tác. “Hơn nữa, chúng tôi vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải đảm nhận dịch vụ chi trả môi trường rừng (rừng giao khoán cho dân) nên khá nhiều việc mà người thì quá mỏng. Hiện tại, chưa cần 59 biên chế như đề án của Tổng cục Lâm nghiệp, nhưng ít nhất phải được 1/3 số đó, tức là khoảng 20 biên chế nhân sự thì chúng tôi mới có thể làm việc được” - ông Thanh nói.

Khó khăn về cơ sở vật chất

Chưa có kinh phí xây dựng trụ sở nên hiện tại, Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam đang làm việc tại một căn nhà thuê lại của người dân, nằm tại thôn Bình Yên, xã Phước Ninh. Tất cả đồ đạc như bàn làm việc, máy vi tính, tủ... của trụ sở này đều trưng dụng lại từ Hạt Kiểm lâm Sông Tranh vừa giải thể. Tuy nhiên, đa số trang thiết bị này đều đã bị hư hỏng phải đưa đi sửa chữa. Càng khó khăn hơn khi kinh phí hoạt động của ban quản lý rất eo hẹp, chỉ mỗi khoản tiền lương chi trả cho cán bộ. Ngoài ra Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam hiện mới chỉ được trang bị 3 máy bẫy ảnh và 1 máy định vị GPS. Ông Thanh cho rằng, phạm vi di chuyển và hoạt động của các cá thể voi rất rộng nên phải cần ít nhất 50 máy bẫy ảnh, đồng thời mỗi cán bộ đi tuần tra cần phải có một máy định vị GPS để xác định vị trí nên cũng cần bổ sung thêm thiết bị này. “Chúng tôi đã làm tờ trình gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Sở NN&PTNT xin được hỗ trợ, bổ sung các trang thiết bị cần thiết để phục vụ hoạt động của đơn vị. Việc hợp tác với dự án “Trường Sơn xanh” chúng tôi vẫn duy trì, tuy nhiên, tổ chức này đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ thiết thực nào. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ để tiếp cận được với các tổ chức đầu tư kinh phí để chúng tôi tập trung hơn vào việc bảo vệ voi” - ông Thanh nói.

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: “Thời gian qua, những khó khăn của Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam là có. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam để phần nào giúp đơn vị này khắc phục khó khăn trước mắt. Đặc biệt, về phía địa phương, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết mức về lực lượng trong mỗi lần ban quản lý tổ chức đi tuần tra. Bởi việc bảo vệ rừng, bảo vệ voi là trách nhiệm không của riêng đơn vị nào”.

Nguồn tin: Phan Vinh - Minh Thông - Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây